PGĐ Bệnh viện Bạch Mai: "10 người ung thư thì hầu hết đều uống rượu"
Đây là lo ngại của GS. TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai khi chia sẻ về tác hại của rượu chiều 23.2.
Theo GS Khoa, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ung thư mà nguyên nhân có sự tác động của rượu. 10 người bị ung thư được hỏi thì hầu hết cho biết có uống rượu. Các bệnh ung thư có tác động của rượu thường là ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, xơ gan và ung thư gan. Bệnh càng nặng và tiến triển càng nhanh nếu như người bệnh uống rượu kèm theo nghiện thuốc lá.
“Tôi không rõ các viện khác nhưng các ca ung thư nam giới ở Bạch Mai thì hầu hết là liên quan đến rượu, đặc biệt là uống rượu mạnh. Đối tượng thường gặp nhất là những người hay đi tiếp khách, hay uống rượu mạnh, rượu xách tay" - GS Khoa chia sẻ.
Theo ông, những người uống rượu mạnh trong nhiều năm thường bị ung thư thực quản, ung thư đường hô hấp. Còn các ca xơ gan, chuyển ung thư gan do nghiện rượu nặng khá phổ biến. Có bệnh nhân nghiện rượu đến mức bị ung thư gan giai đoạn cuối, cả nhà dốc sức cứu chữa nhưng bác sĩ vẫn phát hiện anh ta dùng rượu, hơi thở sặc mùi cồn nhưng vẫn lắc đầu không uống. Những trường hợp như vậy các bác sĩ thực sự bó tay.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rượu có hại rất lớn tới não. Những người uống rượu thường xuyên, uống nhiều thì não sẽ càng ngày càng bị teo lại, có ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ tâm thần. Nhiều trường hợp đột quỵ, chảy máu não mà nguyên nhân do rượu.
Còn TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viện thường xuyên tiếp nhận các ca tâm thần do rượu. Chỉ tính riêng năm 2016 là 300 ca loạn thần do rượu trên 4.000 ca bệnh nhân nhập viện. Bệnh nhân đa phần là nam giới trên 30 tuổi, nhập viện với triệu chứng loạn thần hoặc run chân, mờ mắt (hội chứng sau cai).
Có bệnh nhân mới 18 tuổi đã phải nhập viện cai rượu kèm theo cai ma tuý đá, heroin. Bệnh nhân lâm vào tình trạng loạn thần nghiêm trọng. Gia đình cho biết, người bố cũng nghiện rượu nên cho con trai “tập uống” từ khi 13 tuổi. Khi bố gặp các hành vi loạn thần do rượu lo lắng cho con thì lúc này con trai đã “tiến bộ” hơn bố nên 18 đã nghiện cả rượu, ma tuý đá, heroin. Gia đình đã phải đưa con đi viện để điều trị.
Theo TS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai, năm 2016, khoa điều trị cho hơn 7.200 bệnh nhân nội trú thì có đến 50% là xơ gan do rượu.“Cách đây 20 năm, tỷ lệ bệnh nhân nội trú tại khoa Tiêu hoá thì bệnh nhân xơ gan vẫn là 50% nhưng nguyên nhân chính là do virus viêm gan A, B, C rồi mới đến rượu, nguyên nhân do rượu chỉ chiếm 10%. Nhưng hiện nay, bệnh nhân xơ gan thì có đến 60-70% là do rượu. Có người mắc cả virus viêm gan và nghiện rượu nên bị xơ gan rất nhanh.
TS Khanh cũng chia sẻ, người dân có thể thấy vài vụ ngộ độc rượu cấp tính khiến 5-7 người tử vong là nghiêm trọng. Nhưng điều đó không thấm tháp với những người đang chết mòn khi mắc các bệnh mãn tính do rượu.
Ngoài ra mỗi năm Bạch Mai cũng có 500-700 bệnh nhân viêm tuỵ do rượu. Nhất là trong dịp Tết, số ca viêm tuỵ cấp cao gấp 5-7 lần ngày thường (10-12 ca/ngày). Các bệnh nhân đều là người trẻ khoảng 30-40 tuổi. Các ca viêm tuỵ cấp nếu được cứu sống cũng mất khả năng lao động, có nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường, ung thư tuỵ.
“Nếu 10-20 năm nữa người dân Việt vẫn uống rượu như hiện nay thì kẻ tàn sát sức khoẻ của người Việt dã man nhất chính là rượu. Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật cũng sẽ khiến nhiều gia đình khánh kiệt”, TS Khanh nhận định.
Theo Diệu Linh
Dân Việt