“Ông tổ” của ngành vắc xin Việt Nam qua đời
(Dân trí) - Giáo sư, tiến sĩ khoa học, thầy thuốc nhân dân Hoàng Thủy Nguyên là một “cây đại thụ” của ngành y học dự phòng. Ông cũng là người đặt nền móng cho nền sản xuất vắc xin của Việt Nam, người có công lớn trong việc phát triển hệ thống y tế dự phòng.
Vắc xin “made in Việt Nam” cứu hàng triệu trẻ em khỏi bại liệt
Trong những năm 1959 -1960 bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 cháu mắc bệnh và hơn 500 cháu bị tử vong. Mỗi năm có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỷ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân.
Nhờ sự quan tâm và can thiệp kịp thời của chính phủ Việt Nam và sự giúp đỡ về vắc xin của chính phủ Liên Xô cũ, năm 1961 tỷ lệ mắc giảm còn 3,09/100.000 dân. Để phòng chống bệnh bại liệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã chỉ đạo Việt Nam phải nghiên cứu sản xuất được vắc xin phòng bệnh...
Dưới sự chỉ đạo của GS. Hoàng Thủy Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã sản xuất thành công vắc xin Sabin phòng bệnh bại liệt ở Việt Nam vào năm 1962 của thế kỷ 20.
Nhờ có lượng vắc xin sản xuất trong nước, bệnh bại liệt đã không bùng phát thành những vụ dịch lớn trong suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc bại liệt dao động khoảng 3/100.000 dân và giảm rõ rệt khi chương trình TCMR được triển khai.
Cùng với việc sản xuất vắc xin, Giáo sư đã trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác Tiêm chủng mở rộng để đạt Mục tiêu Thanh toán bệnh Bại liệt.
Từ năm 1985, vắc xin bại liệt uống do Việt Nam sản xuất đã được đưa vào Chương trình TCMR để triển khai cho trẻ em dưới 1 tuổi trên cả nước. Từ năm 1990, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam liên tục đạt trên 90%. Việc duy trì tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt trên 90% trong suốt thời kỳ 1993 -2000 là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được mục tiêu Thanh toán Bại liệt và duy trì thành quả một cách bền vững.
Chiến dịch Những ngày tiêm chủng toàn quốc (NIDs) cho trẻ em < 5 tuổi trong cả nước uống 2 liều vắc xin bại liệt được thực hiện từ năm 1993 và bền bỉ trong suốt 8 năm liên tục, đã góp phần quan trọng để Việt nam đạt được mục tiêu Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nhiều quốc gia khác chưa đạt được mục tiêu quan trọng này.
Khi giữ vai trò là Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS Hoàng Thủy Nguyên đã nỗ lực phát triển ngành sản xuất vắc xin để chủ động phòng chống một số bệnh truyền nhiễm. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc xin như đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, BCG, vắc xin phòng dại v.v... đặc biệt năm 1962 Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh bại liệt.
Tiếp đó, Việt Nam đã sản xuất thành công các loại vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản, Tả, vắc xin Dại, vắc xin DPT, BCG, AT, Thương hàn, vắc xin sởi... Hiện nay, 11 trong số 12 loại vắc xin được sử dụng rộng trong Tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch là các vắc xin sản xuất trong nước.
Với nhiều nỗ lực trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Thủy Nguyên sinh ngày 18.3.1929 - giáo sư đầu ngành về lĩnh vực y tế dự phòng, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đã từ trần vào hồi 11 giờ 40 phút ngày 20.7.2018 (tức ngày 8 tháng 6 năm Mậu Tuất).
Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ 30 - 8 giờ 45, lễ truy điệu vào lúc 8 giờ 45 ngày 23.7.2018 (tức ngày 11 tháng 6 năm Mậu Tuất) tại nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ cùng ngày và an táng tại nghĩa trang quê nhà phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tú Anh