Ống hút inox chọc rách vòm họng bệnh nhi 3 tuổi
(Dân trí) - Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 3 tuổi bị ống hút inox chọc rách vòm họng.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng ống hút nước bằng inox chọc rách vòm họng.
Tai nạn xảy ra ngày 31/5, khi người nhà cho cháu uống nước bằng ống hút inox, không may bị ống hút chọc sâu vào miệng gây chảy máu.
BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt (BV Việt Nam - Cu Ba) cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị dị vật chọc vào miệng và đâm xuyên vòm họng.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị rách vòm miệng cứng. Ngay lập tức bệnh nhi được xử trí cầm máu, gây mê để khâu vết thương phần mềm. Đến sáng 2/6, sau 2 ngày được phẫu thuật vết thương của bệnh nhi đã ổn định, sạch sẽ, không còn chảy máu. Bệnh nhi đã có thể ăn được đồ lỏng, nguội như: cháo, súp nguội, sữa.
BS Thái thông tin thêm, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi hơn 4 tuổi trong lúc nghịch ống thổi sáo bằng sắt đã bị ngã, ống sáo chọc vào vòm miệng khiến bệnh nhân bị tổn thương vòm họng, phải điều trị dài ngày.
BS Thái lưu ý, cha mẹ không nên cho trẻ dùng ống hút cứng như inox, thuỷ tinh, ngậm đũa, nghịch ống sáo... để phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho trẻ.
Khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu đúng cách bằng gạc và khăn sạch. Đối với các vết thương phía ngoài miệng hay lưỡi, cần dùng một miếng gạc hoặc khăn sạch (làm ướt với nước lạnh), đè nhẹ nhàng lên chỗ chảy máu càng lâu càng tốt, khoảng 5-10 phút.
Trong thời gian thực hiện sơ cứu, cần giải thích, động viên, dỗ dành để trẻ hiểu và hợp tác để giữ gạc nhằm ngăn chảy máu.
Đối với các vết thương ở trong miệng (môi trên hay môi dưới), nhẹ nhàng đè chỗ môi bị chảy máu lên phần răng hay lợi của bé trong khoảng 10 phút hoặc càng lâu càng tốt. Tránh kéo môi ra kiểm tra thử vì làm như vậy máu sẽ chảy trở lại.
Nếu thấy tình trạng vẫn chảy mà ko cầm được, lập tức đưa con đến bệnh viện để xử trí .
Để giảm đau và giảm sưng, mẹ có thể dùng một túi nước đá, chườm qua lớp khăn mặt để tránh bỏng lạnh Dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Trong ăn uống sau khi bị tổn thương vùng miệng, cần ăn thức ăn T lỏng, nguội, mềm và nhạt, tránh mặn như nước mắm hay có tính axit như nước cam, chanh. Các món ăn mềm, dễ nhai sẽ giúp bé cảm thấy bớt khó chịu. Uống thật nhiều nước để tránh lắng đọng thức ăn. Cần hướng dẫn trẻ, tránh tình trạng khạc nhổ nhiều gây tổn thương thêm vùng miệng.
Hồng Hải