Ông bà “cấm” chích sởi, bé 2 tuổi viêm não nguy kịch

(Dân trí) - Bé gái 2 tuổi đang trong tình trạng hôn mê, nguy kịch tính mạng vì mắc sởi, biến chứng viêm não. Mẹ bệnh nhi đau đớn cho biết, ông bà của bé không cho cháu chích ngừa vì “tao nuôi cả bầy con, có cần chích đâu”.

Ngày 6/12, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây đang điều trị cho một trường hợp mắc sởi trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhi là bé gái 2 tuổi, ngụ tại TPHCM, nhập viện với biểu hiện lơ mơ, hôn mê. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định cháu bị biến chứng viêm não do sởi gây ra.

BS Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh
BS Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh

“Đây là trường hợp nặng, bệnh nhi đang phải thở máy, nếu qua được giai đoạn nặng cháu có thể phục hồi nhưng ngược lại thì nguy cơ tử vong. Rất ít bệnh nhi bị biến chứng viêm não sau mắc sởi có thể trở lại với cuộc sống bình thường, nếu qua được nguy kịch, đa số trẻ phải đối mặt với các di chứng thần kinh, ảnh hưởng đến trí não, tinh thần, thể chất” – BS Hữu Khanh cho biết.

Cũng theo BS Hữu Khanh: “Qua khai thác bệnh sử, người mẹ của bệnh nhi đau đớn cho biết, sau khi sinh bé chị có đưa đi chích ngừa. Tuy nhiên, chích mấy mũi đầu bé bị hành với biểu hiện sốt, mệt nên ông bà của bé nói khỏi chích với lý do “tao nuôi cả bầy con có cần chích đâu”. Cả 2 mũi ngừa sởi khi 9 tháng và 18 tháng bệnh nhi đều chưa được chủng ngừa. Không có kháng thể bảo vệ là nguyên nhân khiến cháu bị nhiễm bệnh khi dịch sởi xuất hiện trong cộng đồng”.

Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo trẻ mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, biến chứng đường tiêu hóa. Tất cả các biến chứng nêu trên đều rất nguy hiểm, đe dọa sinh mạng bệnh nhi. Mặt khác, trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ thiếu vitamin A trầm trọng dẫn tới mù lòa.

Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi
Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi

Bệnh nhi kém may mắn trên có thể chỉ ca điển hình trong số rất nhiều trẻ chưa được chích ngừa trong cộng đồng phụ huynh quay lưng với vắc xin phòng bệnh. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM chia sẻ: “Khổ tâm nhất là nhân viên trạm y tế, đến tận nhà mời trẻ ra tiêm còn bị mắng chửi te tát, xua như xua tà nữa”.

Hiện, nhiều quốc gia đã quy định trẻ đến tuổi đi học phải được chích ngừa đầy đủ, những trường hợp chưa chích ngừa hoặc chích chưa đủ các mũi vắc xin theo quy định sẽ không được nhận vào trường học. Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, thành phố cũng mong muốn áp dụng giải pháp trên để tăng hiệu quả phòng bênh trong cộng đồng, nhưng luật chưa quy định nên không thể triển khai.

Dù đã thực hiện những giải pháp tuyên truyền phòng bệnh, tiêm bổ sung vắc xin ngừa sởi nhưng số ca mắc bệnh trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở mức cao. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, tuần qua tiếp tục có 68 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, tổng số trẻ bị sởi tấn công từ đâu năm đến ngày 3/12/2018 đã lên tới 600 ca.

Các Trạm Y tế tại TPHCM đang tổ chức tiêm bổ sung sởi cho trẻ dưới 5 tuổi
Các Trạm Y tế tại TPHCM đang tổ chức tiêm bổ sung sởi cho trẻ dưới 5 tuổi

Để tránh nguy cơ mắc sởi, trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm chủng vắc xin, mũi thứ nhất tiêm khi tròn 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi được 18 tháng. Hiện thành phố đang tổ chức tiêm bù vắc xin sởi, phụ huynh có con dưới 5 tuổi cần tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng trong trường hợp trẻ chưa được tiêm đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa.

Bên cạnh nhóm trẻ chích vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, rất nhiều trẻ được phụ huynh cho đi chích ngừa vắc xin dịch vụ, mũi đầu chích khi trẻ được 12 tháng, mũi thứ hai chích khi trẻ được 4 đến 5 tuổi. BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Với tình hình dịch tễ tại Việt Nam thì vắc xin sởi cần tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhóm trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ thời gian chích muộn hơn, thời gian chờ giữa mũi thứ nhất và mũi thứ hai cũng dài hơn nên có nguy cơ bị nhiễm bệnh trước khi chích mũi thứ nhất hoặc bỏ quên mũi chích thứ hai tạo ra lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng.

Để ngăn chặn nguy cơ trên, bác sĩ khuyến cáo những phụ huynh muốn con sử dụng vắc xin dịch vụ cần cho trẻ chích mũi sởi đơn giá khi được 9 tháng tuổi hoặc đưa trẻ đến chương trình tiêm chủng mở rộng để chích mũi sởi lúc 9 tháng sau đó mới theo chích dịch vụ.

Vân Sơn