Ô nhiễm không khí: Ngoài bụi mịn còn có thêm những tác nhân nguy hiểm nào?
(Dân trí) - Chúng ta đang quá quan tâm đến bụi mịn mà quên mất rằng, trong môi trường không khí của đô thị còn nhiều nhân tố ô nhiễm khác, với những tác động đến sức khỏe thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Do đó, cần có một giải pháp toàn diện để bảo vệ bản thân trước vấn nạn ô nhiễm không khí, chứ không chỉ dừng lại ở một chiếc khẩu trang có khả năng lọc bụi.
Mặt trái của quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở những đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vốn đang trong giai đoạn phát triển “nóng”.
Thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn, Trưởng khoa Vệ sinh và An toàn lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.
Theo thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn, Trưởng khoa Vệ sinh và An toàn lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, môi trường không khí đô thị ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang ô nhiễm ở mức đáng lo ngại với diễn biến phức tạp. “Theo số liệu của các tổ chức quốc tế đáng tin cậy, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á!” – Thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn nhấn mạnh
Bụi mịn: Tác nhân ô nhiễm nguy hiểm trong môi trường không khí ở các đô thị lớn
Bụi, bụi mịn là một trong những tác nhân ô nhiễm đặc trưng ở các đô thị lớn, gây nhiều tác động đến cơ thể.
Thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn cho biết: “Các nguồn ô nhiễm không khí đô thị hiện nay chủ yếu phát sinh từ hoạt động công nghiệp, xây dựng, giao thông, sinh hoạt. Mỗi nguồn lại phát sinh các tác nhân ô nhiễm khác nhau. Trong đó, sự gia tăng của phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng chính là 2 nguyên nhân chủ chốt làm tăng ô nhiễm bụi, bụi mịn tại các đô thị”
Sự gia tăng của phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng chính là 2 nguyên nhân chủ chốt làm tăng ô nhiễm bụi, bụi mịn tại các đô thị
Phân tích về tác hại của bụi, bụi mịn đến sức khỏe, thạc sỹ Đinh Xuân Ngô chia sẻ: “Ô nhiễm bụi là vấn đề đáng lo ngại. Sự ảnh hưởng của bụi đến sức khỏe còn phụ thuộc vào bản chất hạt bụi và kích thước hạt bụi. Hạt bụi càng nhỏ thì càng đi sâu vào đường hô hấp tới tận các phế nang. Thậm chí, bụi mịn PM 2.5 còn có khả năng thẩm thấu qua hệ thống mạch vào máu. Bên cạnh đó, các hạt bụi còn là vật chứa vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, đưa chúng xâm nhập vào cơ thể. Nhìn chung, bụi ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, mắt, da, tim mạch và có thể gây ung thư.”
Nhiều tác nhân ô nhiễm không khí khác
Trên thực tế, bụi mịn không phải là tác nhân gây ô nhiễm duy nhất cần lưu tâm, trong môi trường không khí ở các khu đô thị, bởi còn nhiều tác nhân khác cũng gây ảnh hưởng đến khỏe không kém gì bụi mịn như: CO, SO2, NO2, hơi xăng. Thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn phân tích sâu hơn về các thông số này:
- CO, SO2, NO2 thường phát sinh từ quá trình đốt các loại nguyên, nhiên liệu. Mỗi chất có một tác động khác nhau đối với cơ thể, nhưng tựu chung lại thì đều ảnh hưởng mạnh nhất đến cơ quan hô hấp. “Mỗi ngày, một người sẽ hít thở khoảng 20 mét khối không khí. Do đó, cơ quan hô hấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các tác nhân ô nhiễm này có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi” – Chuyên gia này nhấn mạnh – “Đặc biệt, CO khi vào cơ thể sẽ tranh chấp oxy với hồng cầu, khiến lượng oxy được vận chuyển đến các cơ quan, đặc biệt là não, bị hao hụt gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là với những nhóm đối tượng nhạy cảm như: trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người bị bệnh mãn tính”.
-Các chất phụ gia trong xăng như styren, toluen và benzen phát sinh chủ yếu thông qua các phương tiện giao thông, đều có thể gây ung thư, đặc biệt là ung thư máu.
Người dân cần làm gì để bảo vệ mình trước ô nhiễm không khí?
Để có thể chủ động dự phòng các tác hại của ô nhiễm không khí, Thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn khuyến nghị bạn đọc những nguyên tắc sau:
-Hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm hoặc các thời điểm, các khu vực, các ngày có chỉ số ô nhiễm xấu.
-Người dân khi ra ngoài nên sử dụng khẩu trang. Về cách lựa chọn khẩu trang, chuyên gia này cũng khuyến nghị: “Trong không khí không chỉ có bụi mịn mà còn tồn tại nhiều tác nhân ô nhiễm khác như đã đề cập ở trên, vì vậy cần lựa chọn loại khẩu trang vừa có hiệu quả lọc cao (để lọc các hạt bụi mịn), vừa có lớp lọc than hoạt tính để hấp phụ các hóa độc hại.”
Cần lựa chọn loại khẩu trang vừa có hiệu quả lọc cao (để lọc các hạt bụi mịn), vừa có lớp lọc than hoạt tính để hấp phụ các hóa độc hại.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Tăng đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng toàn diện, giàu vitamin và rau xanh.
- Giữ vệ sinh mũi xoang sạch sẽ để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất
Minh Nhật