Ô nhiễm kênh nước thải: Báo động đỏ!

(Dân trí) - Ở Việt Nam, nước thải đô thị bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải vệ sinh và nước thải sản xuất thường được cho chảy thẳng vào các cống, rãnh, kênh thoát nội đô. Do nước thải đô thị bị ô nhiễm nặng nề nên nguồn nước sinh hoạt chắc chắn bị nhiễm bẩn theo. Bài viết phân tích khoa học về vệ sinh môi trường liên quan đến vấn đề đang nổi cộm này…

Ô nhiễm kênh nước thải: Báo động đỏ! - 1

Những tiêu chí đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước

Thường để đánh gia mức độ ô nhiễm nguồn nước người ta thường dự vào ba phương diện vật lý, hóa học và sinh vật:

1. Vật lý

* Tổng chất rắn hòa tan (Total Dissolved Solids, TDS) và

* Tổng số chất rắn lơ lửng (Total Suspended Solids, TSS) là hai chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm nước.

2. Hóa học

* Độ pH để đánh giá toan kiềm

* Độ mặn hay độ muối (salinity, S‰) là tổng lượng (tính theo gram) các chất hòa tan chứa trong 1 kg nước.

* Nồng độ oxy hòa tan (dissolved oxygen, DO) là là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự ô nhiễm nước. DO là lượng dưỡng khí cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật thủy sinh. Nồng độ oxy tự do trong nước nằm trong khoảng 8 - 10 ppm. Khi nồng độ DO thấp, các loài sinh vật nước thiếu dưỡng khí để thở, sẽ suy hô hấp và chết như bị ngạt.

* Các độc chất

Các kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsen, cadmium, chrome, kẽm, mangan v.v...

3. Vi sinh vật

Đánh giá nước kênh rạch có thể ô nhiễm côn trùng, nguyên sinh vật, ký sinh trùng, vi trùng, siêu vi gây nhiều bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng đường ruột bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, giun nhái, sán lá gan, sán nhái và nhiều siêu vi gây bệnh như viên gan A, rota vi rút…..

Những kết quả báo động

Ngày 18/12, tại Hội nghị “Hỗ trợ chính quyền địa phương thực thi chương trình cải tạo môi trường đô thị” ở Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định rằng cả nước chỉ mới có 48/778, khoảng 6%, đô thị có hệ thống thoát nước; 30 đô thị có nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 800.000 m3/ngày đêm chỉ đáp ứng 10% so với tổng lượng nước thải cần được xử lý. 

Theo viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM thì nước sông Sài Gòn, Đồng Nai và hệ thống kênh rạch của TP HCM đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt. Lượng nước thải ước tính khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm, trong khi chỉ có một nhà máy xử lý nước thải đô thị công suất 150.000 m3.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt khi nguồn nước suy giảm. Nước thải chỉ được xử lý khoảng 10% còn lại đổ thẳng váo ao hổ kênh lạch… Chỉ 5/31 bệnh viện và 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải.

Theo Ngân hàng thế giới WB, việc quản lý nước thải sinh hoạt ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết, báo cáo cho biết đến 60% hộ dân xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước công cộng. Các nghiên cứu Trường Đại học Y tế công cộng, Cục An toàn thực phẩm và Viện Chăn nuôi quốc tế, cho thấy đến 100% mẫu rau muống và cá rô phi được khai thác từ sông Nhuệ bị nhiễm chì, cadimi….

Nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Theo Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nước thải sinh hoạt (domesitc waste water) chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước.

Nước kênh rạch ô nhiễm chứa rất nhiều côn trùng, nguyên sinh vật, ký sinh trùng, vi trùng, siêu vi gây nhiều bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng đường ruột bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, giun nhái, sán lá gan, sán nhái và nhiều siêu vi gây bệnh như viên gan A, rota vi rút…..

Trong nước kênh rạch bẩn có rất nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsen, cadmium, chrome, kẽm, mangan v.v... Các kim loại nặng thường tích luỹ dần dần trong cơ thể động, thực vật thủy sinh và khi ăn chúng ta bị nhiễm độc những kim loại nặng này. Kim loại nặng có thể phá hủy tế bào tạo máu, tế bào non trong tủy, gan, thận gây suy gan, suy thận, gây tổn thương dạng viêm ở đường tiêu hóa, loãng xương, tổn thương các tế bào máu. Về lâu về dài kim loại nặng cũng là tác nhân gây ung thư.

Nước bẩn trong kênh rạch đô thị thường có thêm những chất tẩy rửa, thức ăn, nước thải, xác chết động vật nên có nhiều nitơ và photphat cao gây ra hiện tượng “phú dưỡng” (eutrophication) nguồn nước khiến các loài rêu, rong, tảo phát triển mạnh. Cũng như thực vật, rong, tảo sẽ hô hấp, lấy oxy nhả các bô níc, làm nguồn nước càng ô nhiễm thêm.

Có nhiều cách để giảm ô nhiễm nguồn nước thải

Có nhiều cách để giảm ô nhiễm nguồn nước dựa trên nguyên lý cơ học (lắng, lọc), hoá học (ôxy hoá, hấp thụ, hấp phụ), và vi sinh vật có sẵn trong tự nhiên nhằm phân huỷ các hợp chất hữu cơ trong nước thải ô nhiễm, nuôi trồng những động, thực vật thủy sinh (nuôi cá, trồng bèo Nhật Bản, cây sậy, cỏ vetiver, cỏ voi, cỏ signal…) 

Để diệt các loài tảo phát triển mạnh do hiện tượng “phú dưỡng”, có thể nuôi các loài cá ăn thực vật như cá trắm cỏ, mè hoa hay cá chép. Theo tính toán, mỗi con cá mè trắng hay cá chép trong cuộc đời nó có thể ăn đến 50 ký tảo và các loại sinh vật phù du. Kinh nghiệm của Trung Quốc, ở các hồ nước tảo phát triển mạnh, người ta thả cả chục triệu cá chép xanh và cá mè trắng để làm sạch hồ.

Đôi điều bàn luận

Ô nhiễm nguồn nước là một trong ba vấn đề lớn của quản lý vệ sinh môi trường: phân, nước, rác.

Ở nước ta, nước thải đô thị thường được thải trực tiếp nên là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biêt nhiều nhà máy, công nghiệp lén cho nước thải vốn chứa rất nhiều chất độc hại chưa qua xử lý ra nguồn nước gây ô nhiễm càng nặng nề hơn.

Động, thực vật thủy sinh trong nguồn nước nhiễm bẩn đầy dẫy mầm bệnh, chất độc gây bệnh cho người. Cây cỏ, rong tảo, cá cua được thả cá xuống kênh nước thải với mục đích làm sạch nguồn nước ô nhiễm. Chúng tác dụng như “cái giẻ” để lau sạch bụi bẩn, chất độc, mầm bệnh; nên chắc chắn không dùng để ăn!

 TS BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm