1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ở nhà quá lâu vì Covid-19, người phụ nữ uống 300 viên thuốc ngủ nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ở nhà suốt mùa Covid-19 vì TPHCM siết chặt giãn cách, người phụ nữ bị trầm cảm nặng, tự mua 300 viên thuốc ngủ "không thuốc giải" uống và lâm vào nguy kịch.

Ngày 30/10, bác sĩ CKII Phan Quốc Hiệp, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc (ICU), Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã cứu sống một trường hợp ngộ độc thuốc rất nặng.

Bệnh nhân là bà Đ.T.N.L. (SN 1964), nhà ở một chung cư cao cấp tại quận 8. Khai thác bệnh sử ban đầu, người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm, đã từng tự tử nhiều năm trước. Mùa Covid-19 vì sống trong khu vực dịch phức tạp và TPHCM siết chặt giãn cách, bệnh nhân phải ở nhà không ra đường trong thời gian rất dài.

Gần đây, bệnh nhân tự ý đi mua và uống khoảng 300 viên thuốc ngủ, khi gia đình phát hiện thì bà đã bất tỉnh. Trong cơn hoảng loạn, người nhà gọi xe cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nguyễn Trãi trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp. Người phụ nữ được xử trí đặt nội khí quản, thở máy, sau đó chuyển đó chuyển khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc ngay trong ngày vì tình trạng quá nặng.

Ở nhà quá lâu vì Covid-19, người phụ nữ uống 300 viên thuốc ngủ nguy kịch - 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại khoa ICU, Bệnh viện Nguyễn Trãi (Ảnh: Hoàng Lê).

Qua thăm khám và lấy thông tin từ người nhà, ekip điều trị xác định loại thuốc ngủ bệnh nhân uống là thuốc Zopiclone. Thuốc này ngày xưa có thuốc đối kháng Flumazenil (hay còn gọi là thuốc giải), nhưng hiện tại ở thị trường Việt Nam không còn bán.

Do đó để cứu mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã dùng đến biện pháp lọc máu liên tục. Sau 4 ngày lọc máu và theo dõi tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt dần, sức khỏe ổn định, tinh thần tỉnh táo và được xuất viện.

Theo bác sĩ Hiệp, dù Bệnh viện Nguyễn Trãi nói chung và khoa ICU mới chuyển công năng từ điều trị Covid-19 trở lại khám chữa bệnh thông thường khoảng 2 tuần, nhưng đã tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc nặng. Ngoài bà L. còn có 3 trường hợp ngộ độc thuốc paracetamol và 4 ca ngộ độc rượu methanol.

Bác sĩ nhận định, tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm tự tử nhập viện có tăng so với thời điểm trước dịch. "Bệnh nhân ở nhà nhiều, không có việc làm vì dịch, người có sẵn tiền căn trầm cảm thì không được điều trị thuốc liên tục. Đây cũng là những yếu tố khiến việc trầm cảm hậu Covid-19 tăng cao" - bác sĩ lý giải.

Ở nhà quá lâu vì Covid-19, người phụ nữ uống 300 viên thuốc ngủ nguy kịch - 2

Chỉ 2 tuần sau khi chuyển đổi công năng, Bệnh viện Nguyễn Trãi đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thuốc (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Cũng theo bác sĩ Hiệp, với bệnh nhân ngộ độc nhẹ thì có thể sử dụng thuốc đối kháng và theo dõi, trường hợp nặng phải tính đến lọc máu. Nếu phát hiện trễ đến bệnh viện chậm, bệnh nhân có thể diễn biến suy hô hấp nặng và thậm chí tử vong. Để xác định tình trạng ngộ độc, các bác sĩ sẽ dựa vào khám lâm sàng và thử độc chất trong máu.

Bác sĩ khuyến cáo với bệnh nhân có tiền sử tâm thần, trầm cảm thì người nhà phải quản lý chặt, quan tâm chăm sóc, nhất là trong mùa dịch để kiểm soát thuốc tốt và giúp bệnh nhân không trầm trọng thêm vấn đề tâm lý.

Còn với người bình thường, để tránh stress, bệnh nhân cần nghỉ ngơi thoải mái, dành thời gian cho các hoạt động thư giãn, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và hạn chế chất kích thích.

"Người đã tự tử một lần thì những lần sau có thể tự tử nữa" - bác sĩ Hiệp nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm