Nước tăng lực hại gan?

Thông tin từ một bài báo mang tựa đề “Nước tăng lực có hại gan?” có vài điểm không đúng, cần nói rõ. Người nghiện uống nước tăng lực nên cẩn trọng hơn khi ngày càng có nhiều sản phẩm nước tăng lực tung ra thị trường

Viêm gan B, C không lây qua đường ăn uống

Thông tin trên dựa vào một nghiên cứu thuộc Trường Y khoa - ĐH Florida (Mỹ) cho biết một bệnh nhân 50 tuổi được chẩn đoán viêm gan B cấp tính vì uống quá nhiều nước tăng lực.

Bệnh nhân cho biết mỗi ngày uống 4-5 lon nước tăng lực trong vòng 3 tuần trước khi nhập viện cấp cứu vì chán ăn, đau bụng, buồn nôn và ói mửa. Các xét nghiệm sau đó cho thấy ông ta bị viêm gan B cấp tính. Ông ta không hút thuốc, không uống rượu hay dùng chất kích thích, gia đình không có ai bị bệnh gan, còn ông chưa từng hiến hay được truyền máu hoặc quan hệ tình dục có nguy cơ lây nhiễm. Và bài báo cho rằng nước tăng lực đúng là nguyên nhân gây bệnh viêm gan B của ông.

Cũng thông tin trên được dẫn trong một bài báo khác đăng trên một tờ báo khác. Lần này, thông tin lại cho kết quả khác. Bệnh nhân nêu trên không phải bị viêm gan B mà là viêm gan C. Bài báo viết: “Xét nghiệm ban đầu cho thấy lượng men gan là transaminase trong người bệnh nhân cao đột biến, báo hiệu tổn thương gan. Tiếp đến, kết quả sinh thiết gan chỉ ra chứng viêm gan cấp tính và các bác sĩ cũng tìm thấy biểu hiện của viêm gan C mạn tính… Điều đó rất có thể gây ra bởi thức uống chứa quá nhiều vitamin B3, còn được gọi là niacin”.

Thật ra, không thể nào có sự liên quan trực tiếp giữa viêm gan B và C với việc uống nước tăng lực, đặc biệt có chứa vitamin B3.

Viêm gan B và C là bệnh viêm gan do siêu vi B (HBV) và siêu vi C (HCV) gây ra. Bệnh viêm gan do nhiều loại siêu vi hay còn gọi là virus gây ra (có tới 5 loại virus là A, B, C, D, E). Hay gặp nhất là các loại viêm gan A, B và C. Riêng bệnh viêm gan B và C có thể lây qua quan hệ tình dục, đường máu như truyền máu hoặc dùng chung những dụng cụ dính máu, mẹ truyền sang con; chứ 2 bệnh này không lây qua đường tiêu hóa, tức việc ăn uống, càng không thể bị nhiễm siêu vi B hay C chỉ vì uống nước tăng lực chứa vitamin B3 như thông tin vừa nêu đề cập.

Còn lời khuyên “người nghiện uống nước tăng lực nên cẩn trọng hơn với thói quen của mình, nhất là khi ngày càng có nhiều sản phẩm nước tăng lực tung ra thị trường… Nên xem kỹ thành phần dinh dưỡng của sản phẩm vì nước tăng lực có chứa nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng mà nếu nạp quá lượng cần thiết cho cơ thể sẽ có thể bị hại” mà một trong 2 bài báo nêu lên là đúng.


Điều cần cảnh giác là nước tăng lực chứa quá nhiều đường Ảnh: Hoàng Triều

Điều cần cảnh giác là nước tăng lực chứa quá nhiều đường Ảnh: Hoàng Triều

Không nên lạm dụng

Gần đây, các cơ quan an toàn thực phẩm nhiều nước, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới, đã đánh giá việc lạm dụng nước tăng lực và xem đây là nguy cơ rất lớn làm tổn hại sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng nước tăng lực gây tổn hại sức khỏe cộng đồng hoàn toàn không phải do nước uống đặc biệt này gây ra viêm gan B hay C.

Nước tăng lực tùy công ty sản xuất có công thức “bí quyết” riêng nhưng thành phần thường chứa nhiều nhất là đường (sẽ chuyển hóa thành glucose cung cấp năng lượng), kế đó là caffeine, inositol, taurine, adenosine, màu thực phẩm, chất bảo quản và đặc biệt là một số loại vitamin.

Có thứ cần phải cảnh giác là nước tăng lực chứa quá nhiều đường. Gọi “tăng lực” là nhờ lượng đường chứa rất nhiều làm thứ nước này uống rất ngọt. Những người uống nhiều nước tăng lực do chứa nhiều đường mà vẫn ăn nhiều sẽ có nguy cơ cao bị béo phì hay bị tiền đái tháo đường (rất dễ chuyển thành đái tháo đường).

Nước tăng lực thường có chứa lượng lớn caffeine. Một số người không “hạp” caffeine có thể bị mất ngủ (do caffeine gây kích thích) hoặc tim đập nhanh (caffeine làm tăng nhịp tim) gây khó chịu, rất mệt hoặc tăng dịch vị dạ dày gây xót ruột. Hiện nay, châu Âu bắt buộc nhà sản xuất nước tăng lực phải ghi trên nhãn, bao bì: “Sản phẩm chứa hàm lượng cao caffeine. Không khuyến cáo trẻ con, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú dùng sản phẩm này”. Còn Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từ năm 2012 đã yêu cầu các nhà sản xuất báo cáo thường kỳ về phản ứng có hại của nước tăng lực.

Riêng với vitamin B3 là vitamin tan trong nước cũng là loại thường có trong nước tăng lực. Vitamin B3 còn gọi là vitamin PP hay niacin hoặc nicotinamide. Với tên niacin và dùng ở liều cao, vitamin B3 được dùng làm thuốc trị rối loạn lipid máu (tăng mỡ trong máu).

Khi dùng liều cao trị rối loạn lipid máu, vitamin B3 có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da, còn dùng liều quá cao nữa (liều tối đa 6.000 mg dùng trị rối loạn lipid máu) thì vitamin B3 có thể gây tác dụng phụ rất hiếm là độc ở gan (hepatotoxicity) làm suy gan. Dù uống nhiều nước tăng lực thế nào đi nữa vẫn không thể có mối liên hệ giữa việc uống nước này với viêm gan B hay C vốn là bệnh lý do nhiễm siêu vi đã nói ở trên. Có chăng là làm cho bệnh lý nhiễm siêu vi tiềm ẩn bột phát nặng hơn?

Chỉ có thể nói, bị bệnh viêm gan B hay C là do nhiễm 2 loại siêu vi này chứ không thể nói do ăn uống thứ gì đó mà sinh ra bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động