Nước mát cũng “chống chỉ định”

“Nước mát” là tên dân gian dùng để gọi các loại nước nấu từ cây lá có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, lợi tiểu, giải độc cơ thể… Có lẽ vì thông tin liên quan đến những sự cố sức khoẻ do sử dụng nước mát sai cách chưa được phản ánh đầy đủ trên báo đài nên hầu hết người dân đều nghĩ loại nước này ai cũng có thể dùng, dùng sao cũng được. Thật ra, nước mát cũng có “chống chỉ định” cần tuân thủ.

Nước mát cũng “chống chỉ định”

Người khoẻ mạnh cũng chỉ nên uống nước mát trong thời gian ngắn, và thay đổi thường xuyên các thành phần nấu Ảnh: NYAT

 

Thảo dược nào trong nồi nước mát?

 

Có thể ghi nhận một số dược thảo phổ biến trong công thức nước mát:

 

Cây thuốc dòi (bọ mắm): vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho do viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu… Liều dùng trung bình mỗi ngày 10 – 20g, sắc uống. Loại thuốc này còn được dùng như thuốc điều kinh và cả để gây sẩy thai. Vì vậy, phụ nữ có thai không nên uống loại thảo dược này.

 

Rễ cỏ tranh: vị ngọt, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công năng thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế nhiệt. Chủ trị các chứng chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu... Người hư hoả, phụ nữ mang thai không nên dùng.

 

Cây mía lau: vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc, trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, tân dịch bất túc, táo bón... Lưu ý người bị ho do phong hàn (ho kèm đờm trắng) không nên dùng. Nếu mía mốc, có mùi rượu là mía đã bị axít hoá, không dùng được vì có thể gây ngộ độc.

 

Cây mã đề: tác dụng lợi tiểu, chữa ho, kháng sinh…

 

Râu bắp: vị ngọt, tính bình. Quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết. Uống nước râu bắp hàng ngày có tác dụng tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột dễ dàng, ngoài ra còn làm hạ đường huyết tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông. Sử dụng thường xuyên nước luộc râu bắp cho người sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat…

 

Cây lẻ bạn lá lớn: vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

 

Hoa cúc: vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hoả, mát gan, làm sáng mắt.

 

Mát mấy cũng không lạm dụng

 

Các dược liệu trên dễ tìm, rẻ tiền nên thường được người dân sử dụng nấu nước uống hàng ngày. Tuy nhiên, phải lưu ý một số trường hợp như người tạng hàn hay đang suy nhược phải cẩn trọng nếu định dùng thay nước uống hàng ngày.

 

Ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược có trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái, nhưng mặt khác có thể tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính, hơn nữa dùng nhiều hoặc lâu dài chất lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K…

 

Nếu thể chất người bệnh thuộc hàn, mà lại thường xuyên dùng các loại thuốc thanh nhiệt cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tiêu chảy, mất tân dịch, chân âm hao tổn... Để có sức khoẻ, cần giữ được cân bằng hàn nhiệt. Nếu làm mất cân bằng, tức là gây nên bệnh tật cho cơ thể.

 

Những lưu ý khi sử dụng nước mát

 

Khi cơ thể bị nhiệt, có cảm giác bứt rứt, khát nước, khô họng, miệng, tiểu ít, da bị nhọt, miệng lưỡi lở… có thể sử dụng nước mát như nước uống thông thường nhằm giải độc cho cơ thể, hoặc tăng cường nước và vi chất cho cơ thể trong mùa nắng nóng ra mồ hôi nhiều. Khi cơ thể đang mắc những bệnh cấp và mạn tính, cần phải được chỉ định và hướng dẫn sử dụng đúng mức: như người đái tháo đường không thể sử dụng công thức có mía lau; đối với người suy thận mạn, tuỳ thuộc vào độ suy mà tính toán kỹ kể cả nước uống thường, nếu sử dụng nước mát có chứa các ion và các vi chất khó kiểm soát hàm lượng có thể đưa đến tình trạng suy thận nặng hơn… Tốt nhất, người có bệnh nên được tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa.

 

Người khoẻ mạnh cũng không nên dùng nước mát liên tục hàng ngày, chỉ nên uống trong thời gian ngắn, và thay đổi thường xuyên các thành phần trong nồi nước mát nấu cho gia đình.

 

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Thị Bay

Trưởng bộ môn bệnh học, khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TPHCM