1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nước lã pha hương liệu thành giải khát tự nhiên

Hiện có hàng trăm loại nước giải khát được bày bán từ siêu thị, đến quán cóc vỉa hè, xe đẩy hàng rong… Thực tế, chất lượng của các loại nước giải khát này rất khó kiểm soát.

Nước lã pha hương liệu thành giải khát tự nhiên

Thị trường hiện có nhiều loại nước giải khát với nhiều hình thức đa dạng phong phú khác nhau.   
 
Thị trường hiện có nhiều loại nước trái cây hương vị cam, nho, táo, thơm, vải, me… với hình thức đóng gói đa dạng như: đóng chai, đóng lon và túi giấy. Một số sản phẩm mới xuất hiện trong thời gian gần đây có thể kể đến: nước ép thanh long, nước dừa tươi, nước sâm tươi, nước bí non (hạn sử dụng ngắn và không chất bảo quản)…

 

Xu hướng “uống vì sức khỏe” đang được các nhà sản xuất quan tâm nhiều hơn, thể hiện trong thành phần nước giải khát có bổ sung thêm sữa, vitamin, muối khoáng… Thị trường còn có thêm nhiều loại nước ép tổng hợp từ nhiều loại trái cây: nước táo-cam-kiwi-nho, táo-lê-nho-sơ ri, cam-táo-lựu…

 

Nhóm sản phẩm mới cũng theo xu hướng tiện dụng ở các siêu thị đang được khách hàng chú ý: nước bưởi ép nguyên chất đóng lon, mủ trôm - đường phèn đóng gói, chanh tắc muối pha đường đóng gói…, chỉ cần hòa vào nước lọc là có ngay ly nước giải khát.

 

Trong khi đó, trên đường phố, món nước thốt nốt ướp lạnh - đặc sản của An Giang được bày bán trên các xe đẩy xuất hiện khá nhiều, giá khoảng 10.000đ/ly gồm cả nước và cơm thốt nốt. Bên cạnh những món giải khát quen thuộc như: nước mía, rau má, mía lau..., mùa nóng năm nay còn có thêm nhiều sản phẩm “thiên nhiên”: sữa bắp non (giá 9.000 - 10.000đ/chai), nước rong biển (6.000 - 7.000đ/chai), rau má, đậu nành (8.000đ/chai), nước ép củ sen (12.000 - 15.000đ/chai) được bày bán trên đường phố. Bị coi là món “nóng”, nhưng lại thu hút không ít người tiêu dùng trong mùa nóng năm nay là nước sầu riêng ép với giá từ 40.000 - 45.000đ/chai. Sản phẩm mới, được nhiều phụ nữ ưa thích nhờ yếu tố “dưỡng sắc” là nước ép bí non (loại bí xanh dùng để nấu canh) giá 10.000 - 12.000đ/chai, nước nha đam đường phèn 10.000đ/chai…
 
Nhiều loại được bày bán ngay tại vỉa hè, đường phố. 


Nhiều loại được bày bán ngay tại vỉa hè, đường phố.   
 
Thành phần “tự nhiên” từ hương liệu

 

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch hiệp hội rượu bia và nước giải khát Việt Nam, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam trong năm-bảy năm qua luôn tăng trưởng, mỗi năm tăng trưởng trên 20% - mức cao so với thế giới. Theo tổng kết năm 2012, các doanh nghiệp ngành nước giải khát Việt Nam đã cung ứng cho thị trường 4,2 tỷ lít các loại. Dự kiến năm 2013, sản lượng nước giải khát các loại ở Việt Nam sẽ vượt mức 5 tỷ lít.

 

Mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam đang tăng khá mạnh trong vòng 5 năm qua, từ mức bình quân ba lít/người/năm, đã đạt đến mức 23-25 lít/người/năm.

 

Báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở đặt tại Việt Nam cho thấy, nước ngọt có gas đang bão hòa, nước tăng lực chỉ tăng khoảng 13%, trong khi nước trái cây có tốc độ tăng trưởng đến 27%. Hai nhóm sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở các siêu thị, cửa hàng là nước trà và rau củ quả. Đại diện các siêu thị cho biết, khách hàng thích mua các loại nước có thành phần “tự nhiên” và họ chọn trà hay trái cây nhiều hơn vì trên bao bì thường ghi không chứa thành phần hóa học, không chứa chất bảo quản.

 

Vedan Việt Nam sau nhiều năm tham gia sản xuất và chế biến sản phẩm gia vị, gần đây đã đầu tư vào mặt hàng nước uống. Sau khoản đầu tư 200 triệu đô la Mỹ cho ba năm kéo dài đến hết năm 2012, tập đoàn Coca-Cola công bố sẽ đầu tư thêm 300 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong vòng ba năm tới, kể từ năm 2013.

 

Nước giải khát được sản xuất công nghiệp ngày càng đơn giản, vì các hương liệu tạo màu, tạo mùi, dịch quả (còn gọi là nước cốt) luôn có sẵn với đủ các loại hương vị trái cây tự nhiên. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất hiện nay chủ yếu là các khâu phân phối, tiếp thị và chiêu thức quảng cáo.

 

Nước giải khát thường được quảng bá “tốt cho sức khỏe” và có bao bì bắt mắt, nhưng khi mua hàng, người tiêu dùng cần lưu ý đến chất lượng của sản phẩm. Chẳng hạn, một loại nước tăng lực được cho là có thành phần nhân sâm nhưng trên nhãn hàng cho thấy hàm lượng chiết xuất từ nhân sâm rất nhỏ, chỉ khoảng 40mg/lít. Trong khi đó, hàm lượng cafein - chất có tác dụng làm “tỉnh táo” lại ở mức 190mg/l, cao gấp bốn lần so với hàm lượng của nhân sâm.

 

Có loại trà xanh vị chanh được quảng bá 100% từ thiên nhiên, nhưng thực chất vị chua có trong loại trà này có được nhờ vitamin C và hương chanh được bổ sung từ hương liệu tổng hợp. Nhiều loại nước ép trái cây màu sắc bắt mắt, nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép... thực chất thành phần chính chỉ là nước, đường cùng hương vải hoặc hương dâu, hương cam tổng hợp, chất điều chỉnh độ chua, chất bảo quản, màu tổng hợp. Ngay cả dòng sản phẩm được quảng bá là thanh nhiệt được làm từ thảo dược nhưng tổng hàm lượng của các thảo dược chỉ ở mức 13-15%, còn lại là nước, đường...

 

Theo Vietnamnet/Phụ nữ TPHCM