Nước bọt bảo vệ răng miệng

Có ý kiến cho rằng những người ít nước bọt (khô miệng) sẽ dễ bị sâu răng. Vậy nước bọt có chức năng và vai trò gì đối với cơ thể?

Thông thường, nước bọt được tiết ra khoảng 500ml/ngày. Tuy nhiên, lượng nước bọt có thể tăng khi nghe hoặc nhìn thấy vật chua như me, chanh hoặc do phản xạ với kích thích nhai và nếm. Nước bọt chứa hơn 99% nước và là nguồn cung cấp những thành phần ion canxi, photpho và hydroxyl.

 

Nước bọt có nhiều chức năng như bôi trơn (giúp cho các hoạt động nhai, nuốt và nói), làm sạch (loại bỏ những mảnh vụn thức ăn ở miệng và răng), tiêu hóa (khởi phát cho sự phân giải các chất tinh bột), tái khoáng hóa (giúp lành sâu răng ở giai đoạn sớm), bảo vệ (như một tác nhân kháng khuẩn chống lại nhiễm khuẩn và trng hòa axit do mảng bám vi khuẩn sinh ra).

 

Nước bọt là yếu tố bảo vệ tự nhiên quan trọng nhất ở miệng chống lại sâu răng và giúp kiểm soát môi trường miệng. Nếu độ pH của môi trường miệng thấp hơn 5,5, răng sẽ bắt đầu bị hòa tan hay mất khoáng. Giảm tiết nước bọt có thể làm tăng sâu răng, cản trở nhai và nuốt, gây loét trong miệng và dễ nhiễm khuẩn.

 

Đặc biệt, nước bọt được tiết khi kích thích có hiệu quả tự bảo vệ, chống sâu răng tốt nhất và cách kích thích tốt nhất để tiết nước bọt là sử dụng kẹo cao su không đường.

 

Theo Sức khoẻ & Đời sống