Nữ y tá 35 năm “lập chốt” cứu người gặp nạn trên xa lộ

Mặc dù công việc không có lương thưởng, bản thân phải tự bỏ tiền mua các dụng cụ y tế, nhưng nữ y tá Đào Thị Liên vẫn miệt mài với công việc cứu người gặp nạn suốt 35 năm qua. Bà chia sẻ: Đó là mối lương duyên, trách nhiệm với nghề Y chứ không phải sự cầu lợi cho bản thân.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ cứu người để được hậu tạ... ”

Nữ y tá 35 năm “lập chốt” cứu người gặp nạn trên xa lộ - 1

Hơn 35 năm qua, bà Liên vẫn miệt mài làm công việc “lập chốt” cứu người bị tai nạn. Ảnh: Đức Tùy

Phải mất ba lần tìm đến nhà, chúng tôi mới gặp được bà Đào Thị Liên (sinh năm 1949, ở thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Không phải bà ngại gặp chúng tôi mà do có nhiều người bệnh nhờ bà tiêm thuốc và tư vấn sức khỏe. Tiếp chúng tôi giữa buổi trưa muộn trong căn nhà cạnh quốc lộ 5, bà Liên cho biết: “Cứ thấy ai không may gặp tai nạn trên tuyến đường này là tôi cứu. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình cứu người để được họ cảm ơn”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Bắc (cũ) năm 1971, bà Liên được phân công về Bệnh viện tỉnh Hải Dương, nhưng bà đã từ chối mà xin về Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành để được gần nhà và phục vụ bà con địa phương. Đến lúc được cơ quan phân đất ở, bà cũng không nhận mảnh đất trong trung tâm thị trấn mà xin ra khu vực ven đường quốc lộ 5 dù hồi đó khu vực này còn rất thưa thớt, vắng vẻ.

Bà Liên kể, tại khu vực bà sinh sống có đường tàu chạy qua, có 3 trường học và lối rẽ sang huyện Kinh Môn. Khu vực này lúc nào cũng đông người và phương tiện qua lại. Đó chính là nguyên nhân ở đây thường xuyên xảy ra tai nạn. Nhiều lần chứng kiến người gặp nạn, bà Liên thấy xót xa cho những nạn nhân, trong khi bản thân làm nghề y mà không giúp được gì cho họ. Điều này khiến bà luôn trăn trở!

Xuất phát từ cái tâm với nghề y và lòng trắc ẩn, từ năm 1980, bà Liên bắt đầu công việc giúp đỡ người bị nạn. Sau đó bà đã dành một phòng riêng trong ngôi nhà cấp bốn của mình để dựng “chốt cấp cứu”. Thời gian đầu, bà đã nhận không ít lời gièm pha, thiếu thiện chí. Thậm chí có người còn tỏ sự ngờ vực về lòng tốt của bà, cho rằng bà đang lợi dụng để trục lợi (?!). “Nghe vậy, tôi buồn lắm, nhưng mình làm xuất phát từ cái tâm, không điều gì sai trái thì không có gì phải nghi ngại. Bản thân đang làm nghề y là để cứu người, thấy người bị nạn mà chỉ đứng nhìn thì sao xứng với nghề?”, bà Liên chia sẻ.

Năm 2006, Hội Liên hiệp Đoàn Y tế quốc tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã chọn nhà bà làm địa điểm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu tai nạn giao thông quốc lộ 5”. Bà Liên là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương được tham gia dự án, được tập huấn bài bản và được trang bị một số dụng cụ sơ cứu. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì dự án này kết thúc. Bà lại một mình "tự xoay" vì không còn được trợ cấp dụng cụ y tế nữa.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng..."

Trong cuốn sổ ghi chép từ năm 2006 mà bà Liên lưu lại, đã có gần 400 trường hợp được bà Liên và gia đình cấp cứu. Mỗi trường hợp, mỗi nạn nhân là những câu chuyện khác nhau. Có những trường hợp chỉ cần nhắc đến tên bà lại rơm rớm nước mắt.

Năm 2006, anh Nguyễn Khắc H (37 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành) bị tai nạn gãy chân tại ngã tư Phúc Thành. Khi đưa vào bệnh viện xét nghiệm, phát hiện anh đã bị nhiễm HIV. Hồi đó nhiều người vẫn chưa hiểu về căn bệnh này và tỏ ý xa lánh. Anh H đã xin về nhà và đến nhờ bà Liên giúp đỡ. Không ngần ngại, bà đã điều trị vết thương cho anh trong hai tháng, đến khi chân anh khỏi hẳn. Cảm động trước tấm lòng của bà, anh H bật khóc và gọi bà Liên bằng mẹ. Bà không chỉ băng bó, giúp đôi chân anh lành lặn mà còn cứu vớt tâm hồn của một người đang mặc cảm về bệnh tật và bị xã hội kì thị.

Một ngày năm 2010, lúc đó khoảng 8h sáng, bà Liên nhận được thông tin có hai người phụ nữ ở Hải Phòng bị nạn, một người bị gãy chân, người còn lại nằm trong gầm xe tải bất tỉnh. Bà lập tức đến hiện trường ngay, nhờ người lấy gạch chặn bánh xe lại và cùng mọi người chui xuống gầm xe, đưa người phụ nữ ra ngoài.

Bà Liên bộc bạch: “Khi ấy, tôi nghe trực tiếp nhịp tim bằng tai và thấy tim nạn nhân vẫn còn đập. Tôi tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ đến khi bệnh nhân tỉnh lại. Gia đình tôi đưa hai nạn nhân vào nhà, băng bó vết thương. Sau đó, gọi xe cấp cứu đưa họ lên Bệnh viện Bạch Mai. Khi ra viện, hai người đã tìm đến nhà và hậu tạ. Họ đưa cho tôi một phong bì tiền nhưng tôi đã từ chối. Từ đó, chúng tôi xem nhau như người thân trong gia đình”.

Những "tai nạn" nhớ đời

Hướng ánh mắt lên bàn thờ của người chồng quá cố, bà Liên cho biết, năm 1967, bà thuộc cán bộ nguồn của địa phương và được cử đi học ngành Y. Trước ngày nhập học cũng là lúc bà nhận lời yêu ông Đoàn Như Gia, lúc đó đang là bộ đội. Vì nhiệm vụ chung nên lễ cưới hoãn lại đến năm 1969. Cưới xong, chồng bà tiếp tục vào chiến trường, còn bà ở nhà công tác tại bệnh viện huyện. Do bị thương, năm 1973 ông Gia được phục viên. Lúc này, hai vợ chồng mới được ở gần nhau để lo cho con cái, nuôi dạy các con trưởng thành. Tuy nhiên, thời gian này, vết thương chiến tranh tái phát khiến cho chồng bà đau ốm liên miên. Ông mất năm 1998.

Dẫn chúng tôi đi thăm "chốt cấp cứu", là căn nhà cấp bốn mới được khánh thành cuối tháng 8/2016, bà Liên tâm sự: “Chốt cấp cứu này xây dựng trên đất của gia đình tôi, nhưng kinh phí được nhiều nơi hỗ trợ, trong đó có phần đóng góp của những nạn nhân được tôi cứu sống và chương trình "Vì bạn xứng đáng" của Đài Truyền hình Việt Nam. Còn dụng cụ y tế, bông băng, tôi trích một phần từ tiền lương hàng tháng của mình”.

Tưởng rằng làm việc thiện cứu người gặp nạn thì sẽ được may mắn, nhưng có những trường hợp, gia đình bà lại gặp không ít phiền toái. Bà kể, vào dịp Tết năm 2012, một thanh niên ở xã Kim Lương (huyện Kim Thành) bị tai nạn xe máy bất tỉnh. Thấy vậy, bà cùng con trai chạy ra đưa nạn nhân vào nhà cấp cứu, sau đó đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành. Khi tỉnh lại, nạn nhân phát hiện 20 triệu đồng trong cốp xe bị mất nên nghi ngờ cho con trai của bà. Lúc này, Công an vào cuộc điều tra, may sao có người đứng ra làm chứng giúp hai mẹ con bà được minh oan. Sau việc ấy, nhiều người đã hiểu, ủng hộ việc làm của bà. Các con, cháu đều tích cực giúp bà mỗi khi có tai nạn xảy ra.

Suốt hơn 35 năm qua, bà Liên chưa một lời than vãn, kể khổ về công việc “vác tù hàng tổng” của mình. Với sự hi sinh thầm lặng và đóng góp to lớn ấy, bà Liên đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Nhà nước và tỉnh Hải Dương trao tặng, được trao danh hiệu “Anh hùng xa lộ”.

Bà Liên cho biết: “Nếu sau này tôi không còn sức khỏe, không làm được nữa thì tôi đã có cháu gái đang học năm cuối trường Y, sẽ thay tôi làm công việc cứu giúp người bị nạn trên quốc lộ 5”. Bà Liên luôn tâm niệm một điều: Đã theo nghề y thì nên làm đúng lương tâm của người thầy thuốc, bà mong được một tổ chức hay các nhà hảo tâm hỗ trợ một số dụng cụ cấp cứu để công việc thuận lợi hơn.

Theo Đức Tuỳ

Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm