1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nữ sinh sẽ bị mất nửa gương mặt vì cắt bỏ toàn bộ xương hàm bị u "ăn"

(Dân trí) - Mắc căn bệnh u men xương hàm, toàn bộ vùng mặt cô gái N.G.L (16 tuổi, Phú Lương, Thái Nguyên) phù nề, xương hàm bị mục ruỗng, xốp. Các bác sĩ sẽ buộc phải cắt bỏ toàn bộ hàm bị xốp, tiêu xương và tiến hành vi phẫu để tái tạo lại hàm cho bệnh nhân.

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, L. là bệnh nhân quen mặt tại bệnh viện 8 năm nay. Cách đây 8 năm, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhi bị u men khiến ảnh hưởng tới xương hàm, toàn bộ xương hàm em bị “ăn” đến xốp, rục muỗng. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bảo tồn, đợi đến tuổi trưởng thành mới có thể can thiệp phẫu thuật.


GS Trịnh Đình Hải động viên bệnh nhân trước giờ phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ toàn bộ hàm do đã bị mục rỗng, tiêu xương. Ảnh: H.Hải

GS Trịnh Đình Hải động viên bệnh nhân trước giờ phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ toàn bộ hàm do đã bị mục rỗng, tiêu xương. Ảnh: H.Hải

Cách đây 8 năm, khi thấy má phải của con gái sưng lên, anh Nguyễn Văn Thụ (bố của L.) chỉ nghĩ con mọc răng nên sưng. Tuy nhiên L. bị sưng má phải suốt hai tháng, lại luôn mệt mỏi rồi lan sang cả má trái. Bệnh nhân đi khám, được chẩn đoán u xơ xương hàm và đã được chuyển đến BV Răng Hàm Mặt Trung ương theo dõi điều trị từ năm 2010 đến nay.

Sáng nay (13/8), bệnh nhân sẽ bước vào ca đại phẫu với thời gian mổ dự kiến hết 10 tiếng đồng hồ. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ xương hàm của bệnh nhân và tái tạo lại một hàm mới cho L.

GS Hải cho biết, với các bệnh nhân bị u men xương hàm, hoặc bị các tai nạn giao thông phải cắt toàn bộ xương hàm, gương mặt người bệnh sẽ bị biến dạng vì mất xương. Có những người cảm giác mất cả nửa gương mặt vì xương hàm không còn, toàn bộ phần má, miệng bệnh nhân lõm xuống không chỉ gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp mà bệnh nhân còn vô cùng tự ti.

Chính về thế, sau phẫu thuật cắt hàm, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tiến hành vi phẫu dùng xương mác của chính bệnh nhân để tạo hàm, giúp bệnh nhân có lại gương mặt bình thường, khả năng ăn nhai tốt.

Bác sĩ CKII Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho biết với bệnh nhân L., các bác sĩ phải trải qua ít nhất 2 cuộc phẫu thuật mới tái tạo toàn bộ hàm cho bệnh nhân do toàn bộ vùng xương hàm đều phải cắt bỏ.

"Sau khi được tái tạo hàm bằng xương mác, bệnh nhân sẽ có gương mặt bình thường, ăn nhai tốt. Bệnh u men lành tính cũng sẻ khỏi hoàn toàn, không bị tái phát", BS Hà nói.

GS Hải giải thích cho người nhà bệnh nhân toàn bộ xương hàm của L. đã bị tiêu xương.
GS Hải giải thích cho người nhà bệnh nhân toàn bộ xương hàm của L. đã bị tiêu xương.

GS Hải cho biết thêm, kỹ thuật vi phẫu lấy xương mác cẳng chân để tạo hình cho những bệnh nhân khuyết hỏng xương hàm mặt đã được thực hiện ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt từ năm 2008 đến nay đã được 10 năm và đã ghi nhận bệnh nhân thứ 500 được thực hiện kỹ thuật này.

Đây là kỹ thuật được thực hiện ở Đông Nam Á đầu tiên và đến nay các nước như Singapore và Thái Lan mới bắt đầu triển khai thực hiện kỹ thuật này.

Theo GS Hải, điều đặc biệt là căn bệnh u men xương hàm với tỉ lệ 80 - 90% bị phá hủy dẫn đến phải cắt hàm gặp rất ít ở các nước, nhưng tại Việt Nam lại vô cùng phổ biến. Như tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương tuần nào cũng gặp bệnh nhân u men xương. Đây cũng là lý do, là động lực thôi thúc các bác sĩ triển khai kỹ thuật mới để tái tạo xương hàm cho bệnh nhân sớm hơn các quốc gia khác.

Bác sĩ cho biết, vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương hàm dưới bằng ghép xương mác tự thân giúp tái tạo lại đường viền khuôn mặt. Đặc biệt, xương hàm sau ghép được nuôi sống cho phép phục hình răng bằng cấy ghép implant, nhờ đó phục hồi được tốt nhất chức năng ăn nhai cho người bệnh.

Được biết, L. là ca bệnh thứ 500 được thực hiện kĩ thuật vi phẫu tái tạo lại xương hàm, vì thế BV Răng Hàm Mặt Trung ương sẽ miễn phí toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm