Nữ quân nhân vừa được ghép thận nguyện hiến xác cho y học

(Dân trí) - Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi bà đến thăm, chị T.T.H - nữ quân nhân là 1 trong 3 bệnh nhân vừa được ghép thận từ nguồn tạng hiến người chết não cho biết, sau này khi chết đi, chị sẽ hiến tạng, hiến xác cho y học.

Tối 2/8, Bộ trưởng Tiến đã đến thăm 3 bệnh nhân được ghép tạng hôm 27/7, nhờ nguồn tạng hiến của một thanh niên không may chết não.

Bộ trưởng Tiến thăm bệnh nhân được ghép tim. Ảnh: Tuấn Dũng
Bộ trưởng Tiến thăm bệnh nhân được ghép tim. Ảnh: Tuấn Dũng

Chị H. cho biết, bản thân là một người suy thận mãn, cuộc sống gắn liền với bệnh viện, tuần 3 buổi chạy thận. Cuộc sống của người suy tạng mãn như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào. Vì thế, chị cảm nhận và biết ơn sâu sắc người thanh niên, gia đình người thanh niên chết não đã dành cho chị có cơ hội có một cuộc sống khỏe mạnh hơn, không còn phải sống trong cảnh cái chết được báo trước.

“Nhờ có người cho tạng mà tôi được ghép thận, sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Vì thế sau này, tôi xin được hiến tạng, hiến xác cho y học, nếu sức khoẻ và thể trạng đáp ứng được yêu cầu”, chị H. chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thiếu tướng GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, đã có 4 bệnh nhân được ghép tạng nhờ nguồn tạng hiến này. Ba bệnh nhân tại Viện Quân y 103 gồm 3 chiến sỹ: Chiến sỹ Nguyễn N.T được ghép tim, bệnh nhân Vũ X.C được ghép 1 thận, bệnh nhân Trần T.H (47 tuổi) được ghép 1 quả thận. Còn lá gan được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho bệnh nhân tại đây. Để thực hiện cuộc đại phẫu thuật này, đã có đến 100 cán bộ y tế được huy động tham gia các ca phẫu thuật.

GS Quyết một lần nữa bày tỏ sự chia sẻ với nỗi đau của gia đình bệnh nhân chết não, đồng thời rất khâm phục và cảm ơn tấm lòng của họ. “Tôi rất xúc động khi nghe người mẹ bệnh nhân nói, con trai tôi không may bị tai nạn mất, tạng của con có thể cứu sống nhiều người khác, chúng tôi sẵn sàng", GS Đỗ Quyết chia sẻ.

Hiện tại, sức khoẻ của cả 3 bệnh nhân được ghép tạng đã ổn định. Hai bệnh nhân được ghép thận đã ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt từ ngày thứ 3 sau ghép. Riêng với bệnh nhân ghép tim, hiện vẫn được chăm sóc hậu phẫu đặc biệt.

"Thời điểm hiện tại, bệnh nhân ghép tim có tiên lượng tốt, kiểm soát tốt. Bệnh nhân đã tự thở, ăn được cháo, sữa và vận động nhẹ, tự viết lách, nói chuyện. Tuy nhiên, do bệnh nhân suy tim nặng, sau ghép tim cần theo dõi đặc biệt nên hiện vẫn được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt”, GS Quyết cho biết.

Theo Bộ trưởng Tiến, sự kiện BV Quân y 103 chủ động phối hợp với BV Việt Đức, tìm người cần ghép gan từ bệnh viện này, cùng ghép tạng cho 4 bệnh nhân cùng lúc từ nguồn tạng hiến người cho chết não là sự kiện đánh dấu sự kết hợp quân - dân y trong phát triển kỹ thuật cao.

Bà Tiến cũng bày tỏ sự tri ân, cảm ơn thân nhân gia đình, cảm ơn người mẹ đã vượt qua nỗi đau con không may chết não, đồng ý hiến tạng của con trai để cùng lúc cứu sống nhiều người bệnh. “Không chỉ có 4 người khác được hồi sinh sự sống mà nó còn cho thấy, hiến tạng để cứu người đã bắt đầu “thấm” vào tư duy người dân, người dân đã cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng nếu không may chết não”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Được biết, từ ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103 năm 1992, đến nay BV đã ghép được 238 ca thận, 2 ca tim. Bệnh viện cũng đã ghép thận cho công dân Lào.

Hồng Hải