1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nổi “u” kí sinh trùng trên người vì ăn lươn ếch tái

(Dân trí) - “Nếu thấy đột nhiên xuất hiện hiện khối u ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng lại di chuyển được, ấn vào thấy mềm mềm, cảm giác nhung nhúc, trườn… thì cần tới viện vì đó là dấu hiệu bị nhiễm kí sinh trùng do ăn đồ hải sản chưa nấu chín”.

Nổi “u” kí sinh trùng trên người vì ăn lươn ếch tái - 1
Khối u mềm nhũn, di động được là một dấu hiệu nghi ngờ nhiễm kí sinh trùng do ăn đồ tái chín (Ảnh: GS Hiển)
 
GS Trần Thị Kim Dung, Bộ môn kí sinh học, trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
 
Kí sinh trùng “chạy” khắp cơ thể

Nghiên cứu kí sinh trùng ở lươn do GS Trần Vinh Hiển, Cố vấn khoa học bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cùng cộng sự thực hiện trên 3.851 con lươn (kể cả lươn nuôi và lươn hoang dã) tại các chợ ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum là 0,8% đến 29,6%. Tỷ lệ ấu trùng đặc biệt tăng cao trong mùa mưa, giảm dần vào mùa khô. Ấu trùng ở trong lươn chỉ có kích thước chừng 1mm nhưng khi vào cơ thể người, nó lớn lên từ 5-7mm.

“Không trú ngụ cố định ở vị trí nào mà những con kí sinh trùng này theo máu di chuyển tới mọi bộ phận của cơ thể, có người thì bị di chuyển vào mắt, người bị vào não… và gây ảnh hưởng tới bộ phận cơ thể mà nó tấn công. Đã có nhiều bệnh nhân tự dưng thấy mờ mắt, đau đầu, động kinh… sau được điều trị đã khẳng định do nguyên nhân nhiễm kí sinh trùng. Khi ăn phải ấu trùng còn sống trên lươn, ếch, ấu trùng xâm nhập vào cơ thể, không sinh sôi thêm nhưng phát triển lớn lên, “chạy” lung tung khắp cơ thể và kí sinh bất cứ vị trí nào nó muốn”, GS Dung nói.

Đáng nói, tình trạng các loài lươn, ếch nhiễm kí sinh trùng này khá phổ biến, trong khi thói quen ăn đồ tái chín của người Việt thì vẫn tồn tại, nên vẫn liên tiếp có bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng từ lươn.

“Có những bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng này, thấy nổi cả một khối u mềm nhũn, lúc thì khối u phồng lên ở cổ, khi thì di chuyển xuống phía dưới ngực. Hay có người, một tay tự dưng sưng phù nề nhưng không hề do va đập, sờ vào thấy mềm mềm, di chuyển, khi tới viện, bác sĩ xét nghiệm, làm thủ thuật “lôi” cả con ấu trùng ra thì mới giật mình. Những trường hợp ấu trùng ngụ ở ngay dưới da này dễ phát hiện, còn nếu nó đi vào não, mắt… thì khó phát hiện hơn”, GS Dung cho  biết.

Như trường hợp của một bệnh nhân đã xảy ra cách đây 3 năm nhưng GS Dung vẫn nhớ như in vì bệnh nhân này cũng là một bác sĩ có tiếng ở TP Hồ Chí Minh, nằm hôn mê nhiều ngày ở BV Chợ Rẫy tưởng không cứu nổi vì không thể tìm ra nguyên nhân. Đến khi lấy mẫu máu xét nghiệm kí sinh trùng cho kết quả cho thấy dương tính với ấu trùng Gnathostoma spingerum, bệnh nhân khỏi nhanh chóng sau nhiều ngày hôn mê.

Phát hiện bằng xét nghiệm đơn giản

Khi có nghi ngờ nhiễm kí sinh trùng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm để khẳng định. Một xét nghiệm phát hiện tình trạng này rất đơn giản, chỉ mất khoảng 50-60 nghìn đồng.
 
Nổi “u” kí sinh trùng trên người vì ăn lươn ếch tái - 2
Hình ảnh kí sinh trùng khi được phóng to (Ảnh: GS Dung)

Tuy nhiên, theo GS Dung, khi người bệnh có nghi ngờ thì nhất định phải tới bác sĩ khám và chỉ định chứ không nên tự đi xét nghiệm. Vì khi bác sĩ quan sát triệu chứng rồi lấy máu xét nghiệm, nếu lúc này kết quả xét nghiệm dương tính thì rất có giá trị khẳng định bệnh. Còn với những trường hợp, không có triệu chứng rõ ràng nhưng người dân tự đi làm xét nghiệm thì cho dù kết quả có dương tính cũng không thể khẳng định là có nhiễm kí sinh trùng hay không. Vì đây có thể là kháng thể trong cơ thể xuất hiện qua quá trình ăn uống, tiếp xúc một chút với mầm bệnh nhưng không gây ra bệnh lý.

Ngoài những dấu hiệu trên, những người bị đau đầu lâu năm không tìm ra nguyên nhân, lại có tiền sử hay ăn đồ tái chín thì cũng nên đến bác sĩ để thăm khám, phát hiện bệnh nếu có. Khi bệnh đã được khẳng định, việc điều trị rất đơn giản, kí sinh trùng dễ dàng bị tiêu diệt hoàn toàn.

“Lươn là loại thực phẩm phổ biến, vì thế phát hiện lươn nhiễm ấu trùng này là một mối lo ngại lớn cho sức khoẻ cộng đồng. Ăn một miếng lươn xào tái cũng có nguy cơ rước ký sinh trùng vào người, phát triển và gây bệnh. Để không có nguy cơ nhiễm ấu trùng từ lươn, chỉ cần nấu món ăn chín thì ấu trùng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Không chỉ lươn mà thịt các loài khác như ếch, ốc, cá… hay các động vật trên cạn khác như bò, dê, chó cũng có thể nhiễm ký sinh trùng và gây bệnh cho những người ăn đồ không chín kỹ”, GS Dung cảnh báo.

Hồng Hải