Nối thành công 2 trường hợp đứt lìa cánh tay

(Dân trí) - Các BS Khoa Vi phẫu, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP HCM, vừa nối thành công 2 trường hợp bị đứt lìa cánh tay rất nặng. Trong đó, một trường hợp do bị tai nạn lao động và một tự chặt vì bị tâm thần hoang tưởng.

Lúc 19h45 tối ngày 03/12, chị P.T.Trà (SN 1990, ngụ tại Nghệ An) là công nhân công ty Sungho Vina đã bị máy cuốn, cắt lìa 1/3 cẳng tay trong lúc chuẩn bị khởi động máy dệt dây dù.

 

Bệnh nhân được sơ cứu tại BV Đa Khoa Bình Dương, sau đó được chuyển đến BV CTCH lúc 22h45. Bệnh nhận nhập viện trong trạng thái tỉnh táo, 1/3 cẳng tay bị đứt lìa, phần cánh tay có vết thương chiếm 1/2 chu vi cánh tay và lộ xương ra ngoài.

 

Các BS cấp cứu chẩn đoán vết thương dập đứt lìa 1/3 cẳng tay + gãy hở độ IIIc + 1/3 giữa xương cánh tay. Các BS vi phẫu đã tiến hành nối lại xương, gân, mạch máu cẳng tay bị đứt lìa. Cuộc vi phẫu đã thành công lúc 4h sáng.

 

Hiện phần chi tay nối đã có sắc độ hồng trở lại, tuy nhiên do các cơ, các dây thần kinh của cẳng tay đã bị dập nát nhiều và đứt đoạn vì thế khả năng phục hồi chức năng ở bàn tay không cao.

 

Trước đó, ngày 28/11, các BS khoa vi phẫu cũng đã nối thành công trường hợp tự chặt tay mình. Được biết, thanh niên này  21 tuổi, bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Hiện nay, bàn tay của em này đã hồng hào trở lại, cử động được tuy còn đau. 

 

BS Nguyễn Văn An cho biết: “Cả 2 trường hợp này cũng như các trường hợp bị đứt lìa các chi khác, để có thể nối lại thành công với kết quả cao lên đến trên 99% thì cần bảo quản tốt phần bị đứt lìa (gói kín trong túi nylon và đặt vào thùng lạnh)”.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy: Cứu sống 2 trường hợp ngưng tim

 

TS BS Vũ Hữu Vĩnh, Phó khoa Lồng ngực - Mạch máu cho biết, bệnh nhân L.P.Đ được chở đến cấp cứu tại BV CR lúc 3h35 sáng ngày 3/12 trong tình trạng rất nặng, hôn mê, mạch và huyết áp không đo được. Vết thương bị đâm từ phía sau lưng rộng khoảng 7cm, làm toác toàn bộ lồng ngực. Tĩnh mạch đơn bị đứt. Đây là tĩnh mạch lớn trong lồng ngực nên gây mất máu rất nhiều. Rất may là các phần khác của nội tạng không bị ảnh hưởng.

 

Ngay lập tức, các BS đã tiến hành bơm 4 đơn vị máu trước mổ để tăng cường hoạt động tim. Khi mổ mới thấy máu tràn đầy cả lồng ngực và phải truyền  thêm 2 đơn vị máu và 3 lít dịch trong suốt quá trình phẫu thuật.

 

Sau đó, 22h35 cùng ngày, bệnh nhân P.V.B (SN 1985, Ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng ngừng thở, tim đã ngừng đập, không đo được mạch - huyết áp. Bệnh nhân bị súng bắn đinh (tường) bắn trúng mặt tâm thất tim. BS Nguyễn Duy Tân, Khoa Lồng ngực - Mạch máu cho biết: khi tiến hành mổ cấp cứu, các bs nhận thấy máu tràn bọc màng tim tạo áp lực làm tim ngưng hoạt động.

 

BS CKII Phạm Hồng Trường, trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu cho biết: “Hiện tại, cả 2 bệnh nhân đều đã qua cơn nguy hiểm, tỉnh táo, nói chuyện bình thường, khả năng sống là trên 90%”.

 

Ngọc Thanh