“Nội soi” món ngon ngày Tết
Tết là dịp họp mặt, ăn uống, vui chơi nên món ăn ngày Tết luôn ngon, nhiều và lúc nào cũng trong “tư thế” sẵn sàng lên mâm. Tuy nhiên, “bệnh tòng khẩu nhập”,( bệnh theo miệng mà vào) nên để phòng thân, chúng ta hãy thử đưa các món Tết đi “nội soi”…
Bánh chưng bổ, khỏe nhưng…
Nếu ở miền Bắc, “Tết về nhớ bánh chưng xanh” thì ở miền Nam còn có bánh tét. “Đội quân” nguyên liệu làm nên bánh chưng gồm: đậu xanh, nếp, tiêu, thịt nạc vai. Bánh tét ngoài ngoài “nhân” nếp, đậu xanh, thịt ba rọi còn có bánh tét nhân đậu đen.
Nếp để gói bánh “béo bở” hơn nhờ dừa nạo hoặc nước cốt dừa. Bánh tét thập cẩm lại càng phong phú hơn: trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn với đậu xanh.
Lương y Đinh Công Bảy – Hội dược liệu TP.HCM cho rằng, các thành phần thực phẩm chủ đạo tạo nên bánh chưng có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe, tuổi thọ, chống lão hóa, bồi bổ cơ thể..Trong đó, công đầu là đậu đen, đậu xanh nhờ tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải cảm.
Bánh thập cẩm thỏa điều kiện dinh dưỡng hiện đại là cung cấp nhiều loại thực phẩm (theo khuyến cáo mới nhất của WTO là mỗi ngày, mỗi người phải ăn tối thiểu 20 loại thực phẩm thuộc bốn nhóm thì mới đủ dinh dưỡng), mỗi loại có một công dụng riêng.
Tốt thì tốt thật nhưng theo TS Nguyễn Thị Minh Kiều – Hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM, cái bánh chưng nặng 1kg, cung cấp khoảng 2.000 Kcalo.
Bánh tét cũng tương đương; nếu vỏ bánh được xào và trộn dừa hoặc bánh nhân thập cẩm thì năng lượng sẽ tăng thêm khoảng 30-50 Kcalo (khoảng 1/5 cái bánh chưng lớn). Do đó, chỉ cần vui miệng một chút là sau Tết lập tức thừa cân béo phì.
“Cân đo” cổ tết
Tết đến, không thể thiếu khoanh giò bì. Giò bì làm từ thịt nạc trộn bì heo, vừa ngon vừa thơm. Họ hàng nhà giò còn có giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo…Nhờ không cần chế biến, chỉ cắt là ăn nên trẻ con, người lớn đều có thể dùng làm “mồi” trong khi chờ đợi món chính.
Về năng lượng, cứ 100 gr giò lụa chứa 136 Kcalo, giò thủ làm từ thịt đầu heo nên năng lượng nhảy vọt lên 553 Kcalo mỗi 100 gr. Ăn một miếng giò thủ bằng bốn miếng chả lụa. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi gắp miếng thứ hai, thứ ba.
Món đầu heo ngâm giấm cũng được các vị nội trợ ưu tiên chọn làm món ăn nhanh, gọn, nhẹ.Về năng lượng, tuy xắt lát mỏng, trông có vẻ “ốm yếu”, vị chua chua, ngòn ngọt dễ ăn nhưng năng lượng của món này không hề thua thịt thủ thông thường. Thậm chí, nếu thịt thủ ngâm ngọt, năng lượng còn tăng khoảng 530 Kcalo/ 100 gr.
Ngày Tết, đi đâu cũng “đụng” món thịt kho nước dừa hay gọi theo dân miền Tây là thịt kho rệu. Miếng thịt mềm, màu vàng óng ả, ăn với cơm, xôi, gói bánh tráng cuốn chấm đều hấp dẫn. Cứ một miếng thịt và nửa quả trứng cung cấp 155 Kcalo.
Thịt kho nước dừa cũng “nặng” Kcalo…(ảnh sưu tầm)
Thịt gà, vịt luộc ăn cả da, kèm thêm vừa cháo, vừa gỏi, luôn cả gia vị, mỗi người làm…một bụng là coi như cả ngàn Kcalo. Khó tính năng lượng nhất là món quốc hồn, quốc túy nổi tiếng thế giới: chả giò. Năng lượng của chả giò tùy thuộc vào nguyên liệu và bánh tráng. Song, nếu tính chung chung một miếng chả giò cỡ bằng hàng đông lạnh siêu thị thì khoảng 40-45 Kcalo/cuốn, nếu cuốn bằng bánh tráng rế thì khoảng 45-50 Kcalo/cuốn . Cứ so với việc người lao động nhẹ mỗi ngày tiêu thụ 1.800 Kcalo, lao động nặng tiêu thụ từ 2.200 – 2.400 Kcalo sẽ thấy…sợ.
“Tác dụng phụ” của dưa hành củ kiệu
Dù ba miền của Việt Nam có khẩu vị ẩm thực khác nhau nhưng đều dùng dưa kiệu như món ăn chung trong ngày Tết.
Kiệu được yêu thích vì mùi vị không “”hung hăng” quá quắt như hành. Lại thêm dưa món là một món tuyệt vời, vừa có chất xơ trợ lực hệ tiêu hóa, vừa dùng với thức ăn béo ngậy như thịt kho rệu, bánh chưng rất hạp.
Thế nhưng, gần đây các bà nội trợ “nhát tay” khi chọn mua các thực phẩm ướp muối, ủ chua, ngâm giấm và hun khói vì chúng được liệt vào danh sách các thực phẩm gây ung thư.
Thực phẩm ủ chua ăn nhiều không tốt (ảnh sưu tầm)
Sự thật thế nào? Chuyên gia về ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng xác nhận: “Các loại thức ăn muối mặn như: dưa chua, cà pháo, mắm tôm, thịt hun khói làm tăng nguy cơ ung thư bao tử do có chất nitrosamin. Nhưng, chỉ những ai ăn hoài một món mới dễ bị mà thôi”.
Ông hướng dẫn thêm: “Ăn vừa phải dưa món, củ kiệu cùng với các thực phẩm chống ung thư như: rau xanh, hoa quả tươi thì không có gì đáng sợ”.
Công – tội của mứt
Tham gia vào việc tạo nên không khí Tết còn có hương vị ngọt ngào của mứt. Nguyên liệu làm mứt vô cùng phong phú, gần như có củ quả nào là có thể làm loại mứt đó. Gần đây, mứt không còn được ưa chuộng như xưa vì đằng sau vị ngọt ngào là tên “sát thủ” hủy hoại vòng eo. Tội của mứt là vậy, còn công?
Lương y Đinh Công Bảy cho biết, mứt có nhiều công dụng tốt nếu dùng đúng. Đầu tiên là mứt gừng, nếu bị trướng bụng, khó tiêu do nhiệt tính “múa môi”, chỉ cần vài lát gừng sau bữa ăn là không còn phải lo. Xếp hạng nhì có mứt tắc, loại làm nguyên trái, ăn cả vỏ vừa trợ tiêu hóa vừa thông cổ. Mứt tắc, mứt hồng còn là “thuốc” dành riêng giải độc rượu cho các ông. Đứng hạng ba là mứt cà rốt với công dụng trị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ và tăng sức đề kháng. Ngoài ra, mứt sen giúp giảm căng thẳng, ngủ ngon; mứt cà chua (cả vỏ) giúp trẻ đẹp và ngừa ung thư từ xa…
Luận công – tội thì món mứt quả là công nhiều hơn tội; nếu được sản xuất trong điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phương Nam - Theo báo Phụ Nữ TP.HCM Xuân