Nỗi lo tai nạn ngày hè

Tháng 6 là thời điểm hội tụ cao nhất nhiều yếu tố tác động xấu đến sức khỏe trẻ em. Người lớn cần trang bị một số kỹ năng sơ cứu để giúp trẻ

 Năm học kết thúc, mùa hè lại về, cùng với niềm vui được nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng suốt một năm học là nỗi lo tai nạn gây tử vong ở trẻ.

 

Dồn dập sự cố

 

Nỗi đau mất con vẫn còn vẹn nguyên trong gia đình 2 bé trai cùng 8 tuổi L.T.Đ và T.M.T tại hồ công trình cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức, TP HCM). Vào ngày 30-5, sau khi ăn sáng, bé Đ. nói qua chơi với T. ở nhà kế bên. Không thấy con về, gia đình cả hai tá hỏa đi tìm. Đến chiều tối thì phát hiện dép của con nổi lềnh bềnh trên mặt hồ.

 

Một trường hợp tai nạn cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)

Một trường hợp tai nạn cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)  

 

Còn bé trai N.T.T (9 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa được Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM) cứu chữa mới đây cũng là điển hình cho tai nạn ngày hè. Trong lúc chơi xích đu, bé T. tự ý tháo ghế ra rồi trèo lên xích tuột xuống, chẳng may bị đầu móc dây xích móc vào vùng bụng dưới, làm rách vùng da bìu, lòi cả tinh hoàn ra ngoài. Bé đã được phẫu thuật cắt lọc những mô hoại tử, rửa sạch vùng da hở nhiễm trùng, bảo tồn tinh hoàn đưa vào bìu trở lại. Theo bác sĩ (BS) Phạm Ngọc Thạch, Khoa Niệu BV Nhi Đồng 2, chấn thương vùng tinh hoàn ở trẻ em là tai nạn thường gặp. Nguyên nhân do bé té vào vật nhọn cứng hoặc bị chó nhà cắn hoặc bạn đá vào…

 

Mỗi dịp hè về cũng là lúc các BV nhi dồn dập tiếp nhận cấp cứu trẻ gặp tai nạn. Theo các BS, mùa hè thường diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi của trẻ em, cũng là thời gian lý tưởng để đi du lịch, nghỉ ngơi, do vậy tai nạn thường xảy ra. Có 8 loại tai nạn dễ gặp nhất, gồm: chết đuối, côn trùng đốt, rắn cắn, chấn thương do té ngã, tai nạn, ngộ độc, bỏng lửa, nước sôi, điện giật, sét đánh. Chỉ tính riêng tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), trong khoảng 1.200 trẻ bị tai nạn được tiếp nhận mỗi năm thì tập trung nhiều nhất vào dịp hè, nghỉ lễ.    

 

Cần kỹ năng sơ cứu

 

Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm, tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng của khoảng 250-300 trẻ em trong độ tuổi từ 1-14. Chỉ vì  1 phút chủ quan thiếu quan tâm của người lớn đã dẫn đến nhiều tai nạn đau lòng. Tháng 6 là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố có thể tác động đến tình hình bệnh tật của trẻ em. Trong những trường hợp được các BV nhi tiếp nhận, có trẻ bị rất nặng phải điều trị lâu dài, thậm chí để lại di chứng nặng nề, tử vong.

 

Các BS chuyên khoa cấp cứu và hồi sức tích cực chống độc khuyến cáo: Tai nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ do ở tuổi này, nhận thức của trẻ còn thấp. Trẻ lại hiếu động, tò mò, thích hành động một mình nên dễ xảy ra những tai nạn đau lòng. Để hạn chế tối đa, trẻ cần được quan tâm, chăm sóc, giám sát, có không gian chơi đùa an toàn. Đặc biệt, phụ huynh, giáo viên phải trang bị một số kiến thức cơ bản để xử trí sơ cứu tình huống ban đầu nếu trẻ gặp nạn.

 

Theo PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, đối với trường hợp bị ngạt nước, cách sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật sẽ quyết định đến sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc BV Nhi Đồng 1, lưu ý trẻ rất nghịch ngợm chọc phá tổ ong nên dễ bị chúng tấn công. Trường hợp bị đốt nặng nếu nhập viện muộn thì khó cứu sống được.

 

8.000 trẻ em tử vong mỗi năm

 

Theo kết quả khảo sát về tai nạn thương tích tại Việt Nam vừa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố, mỗi năm, nước ta có khoảng 35.000 người tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 8.000 trẻ em tử vong trong độ tuổi từ 0-18 tuổi. Chết đuối là nguyên nhân tử vong hàng đầu với trung bình khoảng 12 trẻ chết đuối mỗi ngày.

 
Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động