1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nỗi lo quên uống thuốc của người bị tăng huyết áp

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tại Việt Nam, khoảng 16 triệu người bị tăng huyết áp. Trong đó, quên uống thuốc là nỗi ám ảnh của bệnh nhân tăng huyết áp, bởi nhiều người đã phải nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu não… sau khi quên thuốc.

50% bệnh nhân tăng huyết áp bỏ điều trị sau 1 năm

Ngày 16/5, tại Hội thảo Giải pháp toàn diện quản lý tăng huyết áp, diễn ra tại Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an), Thiếu tướng, PGS.TS.BS Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho biết, tăng huyết áp là một căn bệnh gây gánh nặng toàn cầu.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của chương trình phòng chống tăng huyết áp năm 2012 cho thấy, cứ 4 người trưởng thành có 1-2 người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, trong số người mắc tăng huyết áp, chưa đầy 50% tuân thủ điều trị trong vòng 1 năm đầu tiên.

Nỗi lo quên uống thuốc của người bị tăng huyết áp - 1
Kiểm soát huyết áp từ những ngày đầu tiên rất quan trọng với sức khỏe người bệnh.

Theo BS.CKII Lê Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an), việc 50% bệnh nhân tăng huyết áp bỏ điều trị sau 1 năm gây nhiều hệ lụy.

Tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì dù không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể nhưng lại dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong.

"Tại khoa Nội 3, qua thực tế điều trị, chúng tôi thấy sai lầm gặp phổ biến nhất của bệnh nhân tăng huyết áp là bỏ thuốc; tự điều chỉnh giảm liều thuốc. Tất cả những điều này có thể gây nguy cơ đột quỵ não, biến chứng về tim mạch. Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân tăng huyết áp vì những sai lầm trên, gặp biến chứng phải nhập viện, có trường hợp nguy kịch phải chuyển lên tuyến trên", bác sĩ Bùi Hương Giang, khoa Nội 3, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An cho biết.

Thay người thân nhắc nhớ bệnh nhân uống thuốc

Thiếu tướng, PGS.TS.BS Phạm Bá Tuyến cho biết, với bệnh nhân tăng huyết áp, việc đảm bảo uống đúng thuốc, đủ liều, đều mỗi ngày là rất quan trọng. Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an quản lý 2.000 bệnh nhân tăng huyết áp mỗi năm, chủ yếu là bệnh nhân trung niên, cao tuổi, vì thế, việc nhắc nhớ uống thuốc, vận động hàng ngày rất quan trọng với người bệnh.

Nỗi lo quên uống thuốc của người bị tăng huyết áp - 2
Quét mã tải ứng dụng Eflie tại đây.

Theo đó, ứng dụng Elfie được cài đặt miễn phí trên điện thoại thông minh sẽ như một người thân nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ.

Bệnh nhân T.Đ.K. (77 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, ông phát hiện bị tăng huyết áp 8 năm nay, nhưng 5 năm trở lại đây mới tuân thủ điều trị.

"Khi mới phát hiện, tôi nghĩ huyết áp là đơn giản, nhiều khi bỏ thuốc, chỉ khi thấy choáng váng, nóng mặt, nóng người nghĩ huyết áp lên mới uống thuốc. Đến giờ mới hình thành được thói quen uống thuốc như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Việc có ứng dụng giúp nhắc uống thuốc, sẽ thuận lợi cho những người mới mắc tăng huyết áp như tôi", ông K chia sẻ.

Bác sĩ Nguyệt cho biết thêm, qua theo dõi, các bệnh nhân cài đặt ứng dụng giúp tuân thủ điều trị hơn rất nhiều. Đến giờ bệnh nhân quên không uống thuốc thì app sẽ báo, vận động không đủ cũng sẽ nhắc nhở.

Ứng dụng Elfie là ứng dụng theo dõi bệnh tăng huyết áp được công nhận và khuyên dùng bởi Hội Tim mạch học Việt Nam. Mục đích của ứng dụng giúp tạo động lực để bệnh nhân theo dõi, lưu trữ chỉ số huyết áp đo và uống thuốc đều đặn. Từ đó gián tiếp giúp bác sĩ kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân.

Phát động tháng kiểm soát huyết áp toàn diện

Chương trình MMM (May Measurement Month: Tháng năm đo huyết áp) do Tổ chức Tăng huyết áp thế giới (ISH) và Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHL) chỉ đạo thực hiện đã lan tỏa đến hơn 95 quốc gia.

Tại Việt Nam, phân hội Tăng huyết áp Việt Nam phối hợp cùng dự án "Ngày đầu tiên" tổ chức hằng năm các hoạt động tầm soát huyết áp trên phạm vi cả nước từ 2018 đến nay để hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới 17/5.

Đại diện dự án "Ngày đầu tiên" cho biết, mục tiêu của dự án nhằm nâng cao tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp Việt Nam tuân thủ điều trị, từ đó kiểm soát huyết áp toàn diện để ngăn ngừa các biến cố tim mạch nguy hiểm của bệnh (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tử vong,…).

Nỗi lo quên uống thuốc của người bị tăng huyết áp - 3

Chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An.

Năm 2023, phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cùng với dự án "Ngày đầu tiên" tiếp tục phát động chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện với thông điệp: "Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc chuẩn 3Đ: đúng thuốc, đủ liều, đều mỗi ngày".

Chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện diễn ra từ ngày 8/5/2023 đến 30/6/2023. Theo ban tổ chức, chương trình sẽ tập trung truyền thông về bệnh tăng huyết áp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị lớn. Từ đó giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống về bệnh tăng huyết áp và thông tin liên quan trên các kênh truyền thông của dự án "Ngày đầu tiên" tại website http://www.ngaydautien.vn/; fanpage "Ngày đầu tiên tăng huyết áp"; youtube "Ngày đầu tiên TV".

Chương trình cũng thực hiện đo huyết áp miễn phí, tư vấn bệnh nhân nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Chương trình triển khai mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện tại 5 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Nông nghiệp.