Nỗi lo lây nhiễm bệnh từ "chuyện ấy"

Phải làm gì khi người bạn đời mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục? Có cách nào bảo vệ mình mà vẫn giữ được “lửa” cho đời sống gối chăn?

Nỗi lo lây nhiễm bệnh từ "chuyện ấy" - 1

Không phải ai cũng biết cách ứng xử trong trường hợp tế nhị này. Bác sĩ Trần Quốc Long, Phó trưởng khoa Khám, bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Bưu điện II, TPHCM, sẽ giải đáp những vướng mắc của bạn:

 

Người mắc các bệnh liên quan đến đường sinh dục (STDs) có khả năng lây nhiễm cao tuyệt đối không được quan hệ với người chưa mắc bệnh?

 

Về mặt khoa học, quan điểm trên được cho là hợp lý. Trên thực tế, chuyện cấm kỵ người bệnh sinh hoạt vợ chồng là điều không dễ. Sinh hoạt chăn gối là nhu cầu tất yếu của con người. Vì vậy, dù biết mình đang mắc bệnh truyền qua đường tình dục nhưng nhiều người vẫn rất khó làm chủ được lý trí.

 

Ngoài ra, với những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, việc cấm kỵ tuyệt đối đôi khi dẫn đến những hệ luỵ về mặt tinh thần. Người bệnh bị cách ly sẽ trở nên tự ti, dằn vặt bản thân từ đó dễ bị stress, sang chấn tâm lý.

 

Do đó, việc cấm kỵ không hẳn là biện pháp tốt. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh STDs, tuỳ trường hợp và triệu chứng bệnh, các cặp vợ chồngnên gặp các bác sĩ chuyên khoa để có cách giải quyết phù hợp.

 

Người bình thường sử dụng bao cao su khi quan hệ với người nhiễm HIV sẽ không bị lây nhiễm?

 

Suy nghĩ trên chưa hẳn đúng. Số ca bị lây nhiễm HIV chiếm khoảng 70 - 90% trường hợp bị bệnh do lây truyền qua đường tình dục. Trong dịch thể sinh dục lúc giao hợp chứa rất nhiều vi rút của bệnh, người đang bị viêm loét đường sinh dục khi giao hợp sẽ có nguy cơ lây nhiễm gấp bội. Việc sử dụng bao cao su đúng cách giúp giảm khả năng lây nhiễm nhưng đây không phải là giải pháp tuyệt đối.

 

Nếu đã được tiêm ngừa vắc xin chống viêm gan siêu vi B, chúng ta không cần lo lắng về việc lây nhiễm bệnh từ người bạn đời?

 

Viêm gan siêu vi B lây truyền qua đường tình dục do tiếp xúc với tinh dịch và dịch tiết ở âm đạo. Giao hợp qua ngả hậu môn- trực tràng, đường miệng- lưỡi gây nhiều sang chấn. Những người đang bị trầy xước niêm mạc vùng răng miệng hay có vết viêm loét đường tiêu hoá, nguy cơ lây nhiễm càng cao.

 

Để tránh bị lây nhiễm, bạn nên tạo miễn dịch chủ động cho bản thân bằng giải pháp ai cũng tạo được miễn dịch cho cơ thể. Tốt nhất, bạn hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ để hạn chế những ảnh hưởng về sau, nhất là sự lây truyền cho mẹ rồi tiếp tục lây sang thai nhi.

 

Trong quá trình điều trị bệnh chlamydia, bệnh nhân không được phép quan hệ gối chăn, sau khi chữa khỏi mới nên gần gũi bạn đời?

 

Không nhất thiết phải như vậy. Bệnh chlamydia có tính chất lây nhiễm nhưng chúng ta không nên đặt nặng vấn đề bệnh tật mà chuyển sang cấm kỵ phòng the.

 

Chlamydia dễ được điều trị bởi kháng sinh thông thường và việc phòng bệnh cũng khá đơn giản, chẳng hặn như thông qua việc sử dụng bao cao su đúng cách. Nếu dùng các loại thuốc như azithomycin hay nhóm doxy, sau 2 tuần bạn có thể sinh hoạt chăn gối bình thường.

 
Theo Tiếp thị gia đình