1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nối hai bàn tay đứt rời cho nam thanh niên

(Dân trí) - Bị tai nạn lao động tại xưởng gỗ, anh N.M.T (19 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) được chuyển đến y tế địa phương cùng với 2 bàn tay đứt rời từ cẳng, sơ cứu và được chuyển thẳng lên BV Việt Đức, Hà Nội.

Sau 5 ngày được nối, hai bàn tay của anh T đã cử động được nhẹ nhàng. Ảnh: BS cung cấp.
Sau 5 ngày được nối, hai bàn tay của anh T đã cử động được nhẹ nhàng. Ảnh: BS cung cấp.

Theo đó, khi đang cầm gỗ để cho vào máy cắt gỗ, do bất cẩn, anh T chưa kịp rút tay ra thì máy cắt rơi tự do đã cắt phăng hai bàn tay của anh T ra khỏi cẳng tay. Ngay sau ca tai nạn xảy ra, công nhân xưởng gỗ đã nhanh chóng đưa anh đến trạm y tế cùng hai bàn tay đứt rời.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt- tạo hình (BV Việt Đức) cho biết, bệnh nhân được chuyển đến BV hôm 16/4 trong tình trạng đứt lìa 1/3 dưới 2 cẳng tay, bệnh nhân sốc tâm lý nặng nề. Sau khi đánh giá, thấy phần tay của nạn nhân được bảo quản đúng, có cơ hội “sống” lại (thời điểm đến BV Việt Đức, bàn tay đã lìa khỏi cánh tay 5 tiếng), các bác sĩ bắt tay ngay vào ca phẫu thuật nối hai bàn tay cho bệnh nhân.

ThS, BS Bùi Mai Anh- phụ trách kíp phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân T, cho biết, khoa đã phải huy động hai kíp phẫu thuật cùng song song nối hai cẳng tay đã đứt lìa cho T bởi một ca phẫu thuật nối bộ phận đứt rời thường kéo dài cả chục giờ đồng hồ, trong khi thời gian sống của bộ phận đứt rời chỉ tối đa 10 tiếng. Vì thế, Sau 9 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, xuyên đêm (đến tận 5h30 sáng 17/4) 2 kíp phẫu thuật đã kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật thành công cả 2 tay cho bệnh nhân.

Đến 9h sáng cùng ngày, bệnh nhân đã tỉnh, các ngón tay có ấm nhưng bệnh nhân tâm lý còn sốc.

BS Mai Anh cho biết, khó khăn chính trong quá trình phẫu thuật này là kết hợp xương nối sao cho không làm ngắn quá nhiều xương trong khi bệnh nhân bị gãy phần xương tay phải sát cổ tay.

Đến nay, sau 5 ngày phẫu thuật, hai bàn tay của T đã tự cử động nhẹ nhàng các ngón tay, riêng bàn tay phải đã sờ có cảm giác. Tuy nhiên, để đánh giá hoàn toàn khả năng “sống” lại của hai bàn tay, các bác sĩ còn phải theo dõi thêm. Nếu hai bàn tay sống được trở lại, bệnh nhân cũng sẽ phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để tránh nguy cơ bị dính gân, khiến hai bàn tay hoạt động kém, khó thực hiện được những động tác tinh tế.

TS Hà cho biết, BV Việt Đức đã tiến hành ghép thành công nhiều bộ phận đứt rời của cơ thể, chủ yếu liên quan đến các ca tai nạn lao động và việc bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách rất quan trọng.

Vì thế, khi không may bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào sau đó lại cho vào nilon đựng nước, sau đó mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Việc nối bộ phận đứt rời càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Theo đói, nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm