Nối các bộ phận đứt rời: 85% trường hợp thành công
(Dân trí) - Thống kê của Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) từ tháng 8/2007 đến 4/2016, các bác sĩ của Viện đã nối liền 132 trường hợp bàn tay, ngón tay, bộ phận cơ thể đã bị đứt rời thông qua kỹ thuật vi phẫu. Trong đó, tỉ lệ thành công là gần 85%.
Tại hội nghị khoa học thường niên lần thứ 4 của Viện chấn thương chỉnh hình vừa diễn ra tại Hà Nội, các bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Đào Văn Giang, Nguyễn Hồng Hà đã báo cáo thành quả phẫu thuật vi phẫu này.
Theo đó, các bác sĩ đánh giá dựa trên 132 trường hợp bàn tay, ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu với 169 phần thi thể với thời gian theo dõi trung bình 2 năm. Trong số bệnh nhân được nối phần cơ thể bằng vi phẫu có tới 87% là nam giới, tuổi trung bình là 30 tuổi, tuổi người thấp nhất là 16 tháng tuổi và người cao tuổi nhất là 69 tuổi.
Trong đó, nguyên nhân nhiều nhất là do tai nạn lao động (64%),tiếp đó là do tai nạn sinh hoạt, và các nguyên nhân khác. Tỷ lệ thành công là gần 85%.
Theo phân loại, có 51 chi thể có kết quả tốt, chiếm tỷ lệ 40%, trong đó chủ yếu gặp trên bệnh nhân có tập phục hồi chức năng đầy đủ (72%). Còn số bệnh nhân tập phục hồi chức năng không đầy đủ, chủ yếu đạt kết quả khá hoặc kém với 58% khá và 1,6% (2 bệnh nhân/127) kém.
Theo các bác sĩ, tổn thương đứt rời ngón tay là tổn thương thường gặp tại Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên việc sơ cứu ban đầu còn hạn chế dẫn đến thời gian thiếu máu và cơ chế tổn thương có ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Do vậy cần tổ chức tốt công tác sơ cứu, sơ cứu đặc biệt ở tuyến dưới. Vì thế, để kết quả được tốt hơn nữa cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến y tế, đặc biệt trong công tác bảo quản chi thể, sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân.
Bên cạnh đó cần phát triển đào tạo đội ngũ phẫu thuật viên, thành lập các trung tâm cấp cứu bàn tay, đồng thời giáo dục cho người dân về an toàn lao động.
Khi không may bị tai nạn đứt rời bộ phận cơ thể, cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào sau đó lại cho vào nilon đựng nước, sau đó mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Việc nối bộ phận đứt rời càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Theo đó, nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%.
Hồng Hải