Nỗi ám ảnh mang tên “chất béo”

Nghĩ mà tội nghiệp cho những tảng mỡ hồng hào, đẹp mắt. Không có nó thì làm sao có làn da mịn màng để người tình ve vuốt; lấy gì để cấu tạo màng tế bào. Lấy chi chuyên chở các sinh tố hoà tan trong dầu cũng như cung ứng năng lượng cho cơ thể

Nỗi ám ảnh mang tên “chất béo” - 1


Nhưng nhiều béo thì lại mập ù. Đàn bà mập đùi, mập mông. Đàn ông mập bụng, như trái lê, trái táo. Mập thì phoọc người cũng khác đi, mất eo, mất õng ẹo. Nhưng ngại hơn là chất béo đóng vào thành động mạch, làm tắc nghẽn, xơ cứng. Đi thăm “anh em nhà bác sĩ” mà được thông báo máu có nhiều cholesterol là chẳng ai thấy vui gì. Có chị kia, vừa từ phòng khám ra, vội vàng móc điện thoại, tưởng gọi chồng đến chở về, ai dè gọi cho bạn… ăn uống: “Chị ơi, em chẳng dám ăn bún bò giò heo nữa đâu, bác sĩ bảo em phải kiêng vì cái LDL của em nó cao mà HDL lại thấp. Em chỉ ăn với chị bữa nay thôi nhé. Rồi kiêng cho tới đầu tuần sau mình hãy đi ăn nữa chị nhé”.

 

HDL, LDL là cái gì mà chị nọ sợ quá vậy? Có phải màn hình phẳng “eo - đi” quảng cáo trên truyền hình hàng ngày không? Xin thưa, đó là anh em sinh đôi chơi rất thân với bà chị cholesterol nhưng tính tình lại khác nhau như Thạch Sanh, Lý Thông vậy. HDL thì hiền lành. Nó ít gây đóng mỡ mà lại còn mang cholesterol vào gan rồi đưa ra ngoài. Cho nên ai thấy nó trên con số 45 là mừng húm như trúng độc đắc. Còn đứa em song sinh LDL thì láo lếu, lì lợm. Nó mà cao trên 160 là tim mạch đi tong dễ như chơi. Riêng bà chị cholesterol, chỉ số càng thấp càng tươi mát, dưới 200 là lý tưởng tuồng Tầu.

 

Mấy bà nội trợ hồi này hay hồ hởi rủ nhau mua dầu thực vật về xào rau, chiên cá. Các bà tránh mỡ heo, mỡ bò như tránh tà ma, ôn dịch. Như vậy cũng tốt. Vừa rẻ tiền vừa an toàn xa lộ vì thực vật không có cholesterol. Mà đúng ra, ta cũng chẳng cần phải ăn nhiều thực phẩm có “bà” cholesterol lắm chuyện này làm gì. Cơ thể ta với lá gan nặng một ký rưỡi có khả năng tạo ra được hầu hết số lượng cholesterol cần thiết. Đủ để làm thành phần của kích thích tố nữ cho quý bà, quý cô có vòng một nhô to như sân trực thăng trên hàng không mẫu hạm; quý ông có nhiều testosterone để tha hồ “đêm bảy ngày ba, vào ra không kể”.

 

Mà nói đến chiên cá lại nhớ đến các ông các bà “thầy dùi” y học hay đăng đàn trên báo, đài để cổ vũ mọi người “giảm nhục, tăng ngư”. Thực tâm mà nói, ăn cá cũng có nhiều cái lợi. Cá nằm trong nước, ăn rêu ăn rong hoặc “cá lớn nuốt cá bé”, nên cũng ngon thịt, mà lại dễ tiêu. Rồi lại có nhiều chất béo hiền hoà, có omega… Nhiều nghiên cứu đã quả quyết omega có thể hạ “bà” cholesterol cũng như dẹp bớt “nàng” LDL trong máu một cách êm thấm. Một tuần mà làm hai lần hoặc cháo cá quả hoặc gỏi cá là số dách. Chị em nhà cholesterol, LDL là cứ tha hồ theo nhau xuống dốc.

 

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ngày nào cũng ăn cá nhé. Cả tuần mà lúc nào cũng sáng cá, trưa cá, tối cá thì có mà thành người... cá. Chất béo bên cạnh những tác hại như đã kể tội ở trên thì nó cũng là một dưỡng chất cần cho sức khoẻ (cho năng lượng nhiều gấp đôi chất đạm, chất tinh bột) nên đừng thành kiến đến mức tẩy chay nó trong bữa ăn... Vấn đề là phải biết “vui có chừng, dừng đúng lúc” với nàng này thì không có gì phải sợ hết.

 

Theo khuyến cáo an toàn của các hiệp hội dinh dưỡng thế giới, mỗi người chỉ nên ăn 30% tổng số chất béo một ngày là khỏi lo mập béo gì. Nếu nhà có “đồ chơi” thì tự cân đong đo đếm cái mức đó. Không thì xài mấy mẹo vặt thế này: chọn sữa ít béo, gà bỏ da, trứng bốn trái một tuần… Còn nếu như ai thấy ăn uống mà phải chấp hành cái này cái nọ mệt quá, thì cứ ăn cho sướng miệng đi. Phở tái mà không có tí nước vàng béo ngậy thì thà ăn cháo trắng với muối vừng; thịt bít tết toàn nạc thì khác gì nhai miếng bông gòn trong miệng, nuốt mãi không trôi, phải không? Vâng, thì tuỳ.

 

Chỉ ngại là cứ “phải không” nhiều quá thì đến một lúc nào đó, đang ngồi ăn, tự nhiên có ông tử thần đến rủ đi xuống diêm vương dự tiệc thì chừng đó có muốn ăn nữa cũng đành hẹn lại kiếp sau.

 

Theo BS Nguyễn Ý Đức

Sài Gòn tiếp thị