Nỗi ám ảnh của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ
Bằng bàn tay khéo léo, các phẫu thuật viên đã nhặt lại từng đường nét con người trong mớ hỗn độn của bệnh tật và tai nạn. Đó thật sự là những tác phẩm nghệ thuật đầy nhân bản.
Một bệnh nhân sau phẫu thuật tạo hình tại Khoa Bỏng - Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Cấp cứu Trương Vương
Tai nạn giao thông kinh hoàng đã khiến chị Đỗ Thị Bích Th. (31 tuổi, ngụ tại tỉnh Kiên Giang) bị đa chấn thương vùng hàm mặt: vỡ lõm xương trán, gãy xương cung tiếp gò má, sụn sàn hốc mắt, xương hàm dưới, nát xương hàm trên… khiến khuôn mặt bị biến dạng và lõm sâu vào trong. TS - BS Nguyễn Văn Hóa (Bộ môn Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), một trong các phẫu thuật viên chính trong ca mổ tạo hình cho chị Th., kể lại: “Lúc vào viện, chị Th. rất bi quan, chán nản. Chị bảo từ khi khuôn mặt bị biến dạng, ngay cả đứa con trai nhỏ cũng ngại không dám gần mẹ”.
Nhặt lại từng đường nét
Để giúp chị, các BS đã phải thực hiện ca mổ kéo dài 4 - 5 giờ… cắt, dời xương hàm để khắc phục gương mặt lõm. Xương hàm trên được cắt theo đường Le Fort 1 để đặt ra trước 8mm, rồi lại cắt xương hàm dưới theo đường BSSO, đặt lùi vào 8 mm. Sự sắp xếp với một khoảng cách chuyển dời tưởng chừng rất bé nhỏ ấy là những giờ phẫu thuật hết sức căng thẳng của các BS đầu ngành đến từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
“Cho đến khi nhìn vào gương thấy những đường nét trên gương mặt đã được phục hồi, nụ cười mới trở lại với chị Th. Sắp tới, chị sẽ tiếp tục được phẫu thuật ghép xương vào các phần thiếu hổng, tạo hình mũi và các mô mềm. Các phẫu thuật viên chúng tôi cũng thật sự hạnh phúc, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện ca mổ đầy thử thách như thế và cũng vì mình đã giúp bệnh nhân tìm lại cuộc sống đời thường và tình yêu của con”, BS Hóa chia sẻ.
BS Trần Xuân Thông, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhân dân 115, cho biết ông từng gặp rất nhiều chấn thương khủng khiếp mà việc khắc phục như một điều không tưởng: có ca bệnh nhân bị… gãy ngang phần giữa mặt gồm gò má, xương hàm trên và cả xương hàm dưới; có người thì gãy toàn bộ răng. “Với kỹ thuật hiện đại, những ca ấy tuy khó khăn nhưng chúng tôi vẫn có thể thực hiện. Mục tiêu hàng đầu vẫn là khôi phục các chức năng vùng hàm mặt, sau đó là thẩm mỹ. Nguyên tắc nghề nghiệp của phẫu thuật viên chính là tôn trọng các mốc giải phẫu. Chúng tôi cũng phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, người nhà, nghiên cứu kỹ các hình ảnh cũ. Khai thác kỹ những chi tiết này cũng là cách để chúng tôi hoàn thành tốt công việc, trả lại cho bệnh nhân khuôn mặt giống lúc xưa nhất”.
Ma thuật của đôi tay
Trong hội trường BV Chợ Rẫy một chiều đầu năm 2012, người thân, nhiều y, BS và cả những người không quen biết xúc động dõi theo những biến đổi kỳ diệu trên khuôn mặt Thạch Thị Sa Ly (35 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng), cô gái trẻ không may mang trên cơ thể hàng ngàn khối u do chứng u đa sợi thần kinh thể lan tỏa. Từ một mớ hỗn độn các khối u che hết đường nét con người, vầng trán, sống mũi, cằm, gò má, nét môi… của cô gái dần hiện ra trong ca đại phẫu kéo dài 6 giờ. Những hình ảnh ấy như bằng chứng sống động về “ma thuật” từ đôi tay của giáo sư người Mỹ McKay McKinnon và ê kíp BS của BV Chợ Rẫy ngày hôm đó.
PGS. TS. BS Lê Hành, Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của BV Chợ Rẫy, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một trong những phẫu thuật viên tham gia ca mổ lịch sử ấy, cho biết: “Gia tài của phẫu thuật viên là đôi bàn tay. Bàn tay phải được rèn luyện để có cảm nhận thật tinh tế, vì phẫu thuật trên một gương mặt cũng giống như họa sĩ thực hiện một bức chân dung ngay trên da thịt con người. Ngay lúc mổ, phẫu thuật viên đã phải tiên liệu được cái đẹp trong tương lai. Thời gian sẽ là bạn của phẫu thuật tốt và là kẻ thù của phẫu thuật chưa tốt”.
ThS. BS Phan Minh Hoàng (Bộ môn Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tâm sự: “Một người thầy từng nói với tôi: Vết sẹo chính là chữ ký của phẫu thuật viên. Một khuôn mặt được cứu nhưng chưa đẹp, chưa bình thường thì chỉ mới trả lại cho người ta một nửa cuộc sống. Có những bệnh nhân đưa tấm ảnh cũ ra, khẩn khoản nhờ các BS giúp họ trở lại y như ngày xưa. Đương nhiên không phải thương tổn, bệnh tật nào cũng có thể được khắc phục hoàn toàn nhưng chúng tôi luôn cố gắng thực hiện ca phẫu thuật tốt nhất có thể, bởi lẽ đó cũng là trách nhiệm của người hành nghề y”.
Còn theo ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn (đơn vị Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ BV Tai Mũi Họng), để có được ca mổ thành công, phẫu thuật viên phải có sự khéo léo, tính toán chu đáo và chuẩn bị thật kỹ càng. “Bao giờ tôi cũng xem lại tài liệu trước khi thực hiện phẫu thuật, ăn uống đầy đủ để bảo đảm mình luôn tỉnh táo trong những ca mổ có khi dài đến 5-6 giờ. Đó cũng là một cách sống có trách nhiệm với nghề nghiệp và các bệnh nhân”.
Ám ảnh của nghề nghiệp
“Một khuyết tật trong tâm hồn không biểu hiện trên khuôn mặt nhưng nhiều khi sửa chữa một khuyết tật trên khuôn mặt có thể chữa lành những thương tổn của tâm hồn”, PGS. TS. BS Lê Hành nói. Theo ông, chính những đau khổ của bệnh nhân là động lực để các thầy thuốc thuộc những chuyên khoa liên quan hoàn thiện dần nghề nghiệp của mình. Nhiều năm trước, khi chưa có bột xương sinh học, rất nhiều bệnh nhân buộc phải rời BV với thương tật khủng khiếp còn trên mặt. Những khuôn mặt dị dạng và ánh mắt rất buồn của họ như ám ảnh tôi, buộc tôi phải làm điều gì đó”.
TS. BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng BV Cấp cứu Trưng Vương, kể lại: “Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân mới 30 tuổi ở khoa đã đột ngột bỏ về do quá nghèo và không còn tin mình sẽ tìm lại được dung nhan cũ. Từ một đòn ghen tàn khốc, cô gái bị axít hủy hoại cả khuôn mặt, phải múc cả mắt. Những trường hợp này thường khó nhận được hỗ trợ bởi mọi người cho rằng đó là một vấn đề của xã hội. Nhưng tôi vẫn mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn đối với tất cả những người không may bị mất đi dung nhan, bởi lẽ, tìm lại khuôn mặt bao giờ cũng cực kỳ tốn kém và khó khăn, mà sự toàn vẹn ấy còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của mỗi người”. |
Theo Anh Thư
Người lao động