Nỗi ám ảnh "bóng ma" nhiễm khuẩn bệnh viện!

(Dân trí) - Hậu quả của nhiễm trùng bệnh viện khiến hàng chục nghìn bệnh nhân gánh thêm biến chứng và tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, công tác khử khuẩn, diệt khuẩn tại các bệnh viện hầu như bị bỏ rơi.

TS Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục điều trị khẳng định: Sự lơ là trong công tác khử khuẩn, diệt khuẩn (KKDK) tại các bệnh viện chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “5 tăng 2 giảm ở bệnh viện”:

 

- 5 tăng: tăng biến chứng và tử vong, tăng ngày điều trị, tăng sử dụng kháng sinh, tăng kháng thuốc và tăng giá thành điều trị.

 

- 2 giảm: giảm chất lượng điều trị, giảm uy tín bệnh viện.

Lạc hậu đến khó tin!

Theo điều tra mới nhất được Hội Điều dưỡng thực hiện tại 93 bệnh viện trên toàn quốc, đội ngũ cán bộ làm công tác KKDK ở các bệnh viện lớn, nhỏ không chỉ thưa mỏng mà còn có tới 55,3% là hộ lý và công nhân.

Vấn đề đào tạo chuyên môn trong công tác KKDK gần như bỏ “trắng”, đa số chỉ dừng lại ở mức “cầm tay chỉ việc” rồi lâu ngày quen tay.

Vấn đề nhân lực, đào tạo chuyên môn đã yếu kém đến vậy, phương tiện máy móc và hoá chất dành cho công tác KKDK trong hệ thống y tế toàn quốc cũng rơi vào tình trạng lạc hậu đến khó tin.

Hiện nay chỉ có 1 đơn vị duy nhất (BV Bưu điện) sử dụng máy rửa siêu âm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn lại, thiết bị thông dụng nhất tại các BV hiện nay là máy tiệt khuẩn bằng hơi nước (59,2%), tiếp theo là các máy sấy khô (35%). Tuy nhiên, hầu hết các loại máy móc này đều đã cũ, quá hạn sử dụng từ lâu (có máy sấy khô ở một BV đã được sử dụng tới 35 năm không nghỉ).

Cùng với hệ thống máy móc lạc hậu, vấn đề phương tiện và hoá chất dùng để KKDK cũng trong tình trạng có sao dùng vậy. Hiện, 99% các bệnh viện sử dụng phương tiện xử lý dụng cụ thủ công chủ yếu bằng... tay.

Hoá chất sử dụng KKDK cũng trong tình trạng tương tự, tức là có sao dùng vậy!

Bên cạnh đó, bác sĩ điều trị nào cũng hiểu rõ, dụng cụ y tế nếu không đảm bảo vô khuẩn sẽ là vật trung gian truyền bệnh, các ứng dụng kỹ thuật cao càng đòi hỏi dụng cụ y tế phải an toàn tuyệt đối. Nhưng trên thực tế, khoa Chống nhiễm khuẩn ở hầu hết các bệnh viện từ lâu nay luôn trong tình trạng “lép vế”.

“Không một cán bộ y tế nào muốn gắn bó với khoa Chống nhiễm khuẩn, bởi ngoài tiền lương thì không còn khoản thu nhập nào. Mặt khác, đối với những người muốn tiến thủ trong nghề nghiệp thì không thể ở khoa này. Chính vì vậy, rất ít trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn ở lại lâu, công tác đào tạo chuyên môn mới bắt đầu được họ phát triển thì cũng theo đó mà “chết”, hoặc bắt đầu lại khi có trưởng khoa mới”, TS Phạm Đức Mục cho biết.

Nhận thức kém!

Theo thống kê của Cục Khám - Chữa bệnh, Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 7,5 triệu bệnh nhân nội trú điều trị tại các bệnh viện với 1,5 triệu ca phẫu thuật và hàng trăm triệu thủ thuật xâm nhập được tiến hành.

Nếu “mục sở thị" tại các BV như BV K, Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư... sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng chen chúc tại các phòng khám chật hẹp, hoặc tình trạng nằm ghép đôi, thậm chí ghép ba vào những lúc cao điểm của các mùa dịch. Vấn đề nhiễm khuẩn chéo tại BV đang là bóng ma đe dọa bệnh nhân điều trị nội trú, đặc biệt là tại các khoa hồi sức cấp cứu.

Có thể thấy, nếu làm tốt công tác KKDK thì cả bệnh nhân và bệnh viện đều có lợi trong công tác điều trị. Thế nhưng trên thực tế tình trạng KKDK trong bệnh viện đang bị bỏ ngỏ, thậm chí bỏ qua. Kết quả là tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đang có xu hướng gia tăng (từ 3,5% - 8%).

Theo báo cáo của BV Nhân Dân Gia Định, TP.HCM, tỉ lệ nhiễm khuẩn BV tại đây là 11%. Trong đó, số người nhiễm khuẩn BV ở đường hô hấp là cao nhất (xấp xỉ 69%), nhiễm trùng huyết (xấp xỉ 15%).

Thực trạng là vậy nhưng không ít bác sĩ còn nhận thức kém về nhiễm khuẩn bệnh viện, các biện pháp vô trùng, thậm chí ngay cả việc đơn giản như rửa tay trước ca mổ cũng thực hiện khá cẩu thả, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị và làm khổ bệnh nhân.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy: chỉ riêng biến chứng nhiễm trùng vết mổ có thể đe dọa tính mạng và làm gia tăng 54% chi phí điều trị bệnh nhân.

P. Thanh