1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nỗ lực tăng cường phòng chống tác hại thuốc lá

(Dân trí) - Ngày 30/3, Hội YTCC Việt Nam cùng với các cơ quan phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã cùng nhau cung cấp, trao đổi những thông tin, bằng chứng khoa học về tác hại thuốc lá, những mô hình khói thuốc hiệu quả… nhằm đưa ra các khuyến nghị cho dự thảo Luật PCTHTL.

Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) của các đơn vị PCTHTL (Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới, Vinacosh, Tổng cục thống kê…), tại Việt Nam năm 2010, tỷ lệ hút thuốc vẫn duy trì ở mức rất cao: 48% nam giới trong nghiên cứu có hút thuốc, chỉ giảm khoảng 8% sau 10 năm. Điều này cho thấy hút thuốc hiện vẫn là một “đại dịch” nguy hiểm ở Việt Nam đối với sức khỏe của người dân.

Thuốc lá hiện nay được xác định là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Chính vì vậy thuốc lá làm phát sinh chi phí khổng lồ để điều trị những ca bệnh do hút thuốc, hút thuốc thụ động gây ra cộng thêm với chi phí do giảm năng suất lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.

Theo một nghiên cứu của trường ĐH Y tế Công cộng ước tính chi phí gây bởi 3 căn bệnh lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, khí phế thủng do thuốc lá gây ra là hơn 1.160 tỷ đồng/năm. Như vậy ước tính chi phí gây ra bởi 25 căn bệnh do thuốc lá sẽ cao hơn rất nhiều lần. Tại Việt Nam, các hộ nghèo tiêu tốn 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền mà gia đình dành cho y tế hay giáo dục.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất cần có chính sách giám sát việc sử dụng thuốc lá; Bảo vệ con người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá; Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Tăng giá bán nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thuốc lá. Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Văn phòng Ủy ban Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia cho rằng: “Việc tăng thuế thuốc lá được chứng minh là tăng nguồn thu của nhà nước. Bởi vì chúng ta thấy tỷ lệ hút thuốc lá tương đối đã giảm. Tuy nhiên giảm chưa nhiều, trong khi tỷ lệ dân số lại tăng lên. Như vậy con số tuyệt đối những người sử dụng thuốc lá không giảm đi. Như vậy thị phần các công ty thuốc lá không giảm. Với thị phần như vậy mà tỷ lệ thuế tăng lên thì chứng tỏ ngân sách nhà nước tăng lên. Trong khi với việc tăng giá thuốc thì những người có thu nhập thấp hay những người có ý định hút thuốc cũng sẽ giảm bớt đi”.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng trong 10 năm trở lại đây, công tác PCTHTL đã trở thành một vấn đề được quan tâm nhiều hơn tại Việt Nam. Mặc dù đã có những quy định chính thức, việc tuân thủ thực hiện và hiệu lực của chính sách kiểm soát thuốc lá vẫn là thách thức đối với Việt Nam- một nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao, hành vi hút thuốc được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng; các biện pháp xử phát chưa đủ mạnh, mức độ ủng hộ và tuân thủ của cộng của cộng đồng với chính sách còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện nay các văn bản pháp luật ở Việt Nam có liên quan đến phòng chống tác hại của thuốc lá còn tản mạn, chưa tập trung thành đạo luật thống nhất. Chính vì vậy việc ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá rất cần thiết.
 
N.H