Cà Mau:
Nợ "đầm đìa", kiểm tra toàn diện Khu dịch vụ 200 giường tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau
(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Y tế cùng các Sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của Khu dịch vụ 200 giường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có cuộc họp với các Sở, Ngành để giải quyết một số vướng mắc, khó khăn tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau.
Trong đó, đáng chú ý là việc chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, hỗ trợ Sở Y tế kiểm tra toàn diện hoạt động của Khu dịch vụ 200 giường.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh giao Sở Tài chính kiểm tra toàn bộ hồ sơ đầu tư để xác định giá trị tài sản công trình để thực hiện thu phí và hạch toán thuế đúng quy định; xác định rõ nguyên nhân hoạt động thiếu hiệu quả để khắc phục.
Trong đó, vấn đề nào các bên đối tác ký kết hợp đồng có thể khắc phục được thì phải chủ động giải quyết, vấn đề nào sai thì định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền
Với đề án xây dựng BVĐK tỉnh Cà Mau thành đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM có kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2019-2021, để đầu tư các hạng mục bức thiết, Chủ tịch tỉnh Cà Mau giao Sở Tài chính, Sở Y tế, BVĐK tỉnh Cà Mau rà soát, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính xin chủ trương điều chuyển mục tiêu nguồn vốn hỗ trợ mua sắm máy gia tốc điều trị ung thư (khoảng 21 tỷ đồng) sang đầu tư trang thiết bị y tế thuộc đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch, chấn thương chỉnh hình.
“Giao Sở Y tế, Sở Tài chính khẩn trương làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành Trung ương để sớm được chấp thuận chủ trương điều chuyển mục tiêu nguồn vốn”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng giao Sở Tài chính, Sở Y tế kiểm tra công tác tài chính, quyết toán, nợ tồn đọng tại BVĐK tỉnh Cà Mau, đề xuất phương án giải quyết theo tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; báo cáo Chủ tịch tỉnh trong tháng 4/2018.
Trước đó, Sở Y tế từng có kiểm tra và kết luận, tính đến cuối tháng 9/2016, tổng số nợ mà BVĐK tỉnh này phải trả là 92 tỷ đồng.
Cụ thể, BVĐK tỉnh Cà Mau đã nợ gần 200 đối tác là các công ty dược, Trung tâm huyết học truyền máu số tiền gần 54 tỷ đồng; nợ tạm ứng trước tăng thu nhập, phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ công nhân viên từ năm 2011 đến cuối tháng 9/2016 hơn 14 tỷ đồng; chứng từ xuất kho bảo hiểm y tế chưa thanh toán hơn 67 tỷ đồng…
Ngoài ra, BVĐK tỉnh Cà Mau còn nợ tiền sửa chữa máy CT Scan 1,7 tỷ đồng; nợ các công ty bảo lãnh dự thầu thuốc, vật tư y tế gần 100 triệu đồng; nợ tạm ứng Bảo hiểm xã hội hơn 31 tỷ đồng…
Một vấn đề khác là từ năm 2014, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và Công ty Cổ phần dịch vụ 200 giường ký hợp đồng BOT. Hai bên cùng thỏa thuận việc phân chia lợi nhuận với BVĐK tỉnh Cà Mau từ nguồn thu dịch vụ giường bệnh y tế. Theo thỏa thuận, phía công ty được hưởng 90%, bệnh viện hưởng 10%, quy định 3 tháng công ty phân chia lợi nhuận một lần.
Thế nhưng, đến thời điểm tra, phía công ty chưa thanh toán cho bệnh viện một lần nào, thậm chí còn lấy tiền của bệnh viện trả cho nhân viên của công ty. Điều đáng nói, từ năm 2014 đến thời điểm kiểm tra, Công ty Cổ phần dịch vụ 200 giường lãi trên 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, BVĐK tỉnh Cà Mau cũng từng xảy ra vụ lùm xùm về công tác nhân sự. Cụ thể, ngày 30/12/2016, đại diện Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết định cho ông Lưu Anh Tài được thôi giữ chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau theo nguyện vọng của ông này. Đồng thời, Sở Y tế bổ nhiệm bác sĩ Tăng Xuân Đỉnh (Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau) về làm Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước; điều động bác sĩ Bùi Quốc Văn (Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước) về làm Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, ông Đỉnh đã từ chối việc bổ nhiệm làm Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước.
Huỳnh Hải