Ninh Thuận: Xuất hiện nguy cơ yến nuôi nhiễm H5N1
8/8 mẫu chim yến nuôi bị chết trong số 4.000 con đột ngột chết ở Ninh Thuận đều dương tính với H5N1.
Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch heo tai xanh (đã công bố dịch tại huyện Ninh Sơn) và dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn yến nuôi tại TP Phan Rang-Tháp Chàm.
“Chưa thể gọi là dịch”
Ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết mẫu bệnh phẩm đàn yến nuôi tại rạp Thanh Bình (phường Đạo Long, TP Phan Rang-Tháp Chàm) được Chi cục Thú y tỉnh gửi Trung tâm Thú y Vùng 6 (TP.HCM) xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5N1. Theo ông Khoan, số yến nuôi đột ngột chết tại rạp là trên 1.000 con.
Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều qua, số lượng yến chết được các cơ quan thông báo là trên 4.000 con. Chi cục Thú y tỉnh đã lấy tám mẫu chim chết trong các ngày 1, 4, 6/4 gửi xét nghiệm, kết quả cả tám mẫu đều dương tính với cúm A/H5N1. Trong khi đó, 25 mẫu chim yến sống gửi ngày 6/4 đều âm tính.
Theo đó ngay khi có kết quả dương tính, cơ quan chức năng đã lập danh sách những người trực tiếp sản xuất, chăm sóc tổ yến tại 54 cơ sở nuôi chim yến trong TP để khám, tiêm phòng và kiểm tra sức khỏe liên tục.
Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết toàn tỉnh chỉ có một cơ sở nuôi yến (rạp Thanh Bình) là có đàn chim yến chết. Nguyên nhân do tổng đàn yến lớn (khoảng 100.000 con) nhưng nhà nuôi ngột ngạt, thời tiết nắng nóng… Theo ông Hòa, sau khi tỉnh chỉ đạo tập trung cải tạo môi trường nuôi, tiêu độc khử trùng thì tốc độ lây lan đã được khống chế, lượng chim yến chết giảm dần nên chưa phải là dịch gia cầm. Hơn nữa, việc lấy 25 mẫu chim yến sống, kể cả yến non, cho Cơ quan Thú y Vùng 6 TP.HCM xét nghiệm đều âm tính nên cũng không thể gọi là dịch được.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận, loài chim yến ngày bay trên trời nên khó kiểm soát. Tuy nhiên, chi cục vẫn tiếp tục giám sát cơ sở có chim mắc bệnh cùng các cơ sở nuôi khác và liên tục thu mẫu xét nghiệm nên hiện chưa thể kết luận là có dịch vì hiện nay số chim chết hằng ngày đang được khống chế, giảm nhiều. Hiện chi cục triển khai tiêm phòng cho tất cả đàn gia cầm trên toàn TP Phan Rang-Tháp Chàm với 800.000 liều vaccine.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết theo yêu cầu của Cơ quan Thú y Vùng 6 TP.HCM thì liên tục trong một tuần từ ngày 8 đến 15/4, TP phải lấy cho được mỗi hộ nuôi từ 20 đến 30 mẫu yến, phân để kiểm nghiệm. Nếu yến có mang mầm bệnh là một nguy cơ tiềm ẩn.
TPHCM có khoảng 180 hộ nuôi yến tự phát
Trao đổi với Pháp Luật TPHCM ngày 10/4, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết hiện có khoảng 180 hộ ở 22 quận, huyện ở TPHCM (không tính hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ) nuôi yến trái phép. Do nuôi yến phải có quy hoạch cụ thể, không ảnh hưởng cuộc sống những người chung quanh nên TPHCM hiện chỉ cho phép các hộ trong xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) được nuôi yến. Cần Giờ hiện có hơn 100 hộ nuôi yến.
Một người nuôi chim yến ở huyện Nhà Bè cho biết: “Tôi có nuôi vài ngàn con nên rất bất ngờ khi biết thông tin hàng ngàn yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận chết vì H5N1, bởi việc này trước nay không hề xảy ra. Tuy nhiên, tôi cũng không lo lắng cho đàn yến lắm bởi yến tôi nuôi mật độ còn thưa thớt, môi trường lại tốt, luôn vệ sinh sạch sẽ”.
Theo ông Thảo, việc nuôi yến tự phát hết sức nguy hiểm. Đa phần các hộ nuôi cho rằng yến không thể mang bệnh H5N1 vì chúng bay trên cao. Tuy nhiên, thông tin yến ở tỉnh Ninh Thuận chết vì cúm H5N1 đã khiến các hộ nuôi băn khoăn. Ông Thảo khuyên các hộ nuôi yến khi xử lý nguồn phân và thu hoạch tổ yến phải hết sức cẩn thận, nên mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, mang khẩu trang… Khi phát hiện yến chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cơ quan thú y. Quan trọng nhất là phải gửi mẫu giám sát định kỳ cho phòng xét nghiệm để kịp thời phát hiện những bất thường ở yến nuôi.
Theo Minh Trân - Trần Ngọc
Pháp luật TP