1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Nín thở khoảnh khắc xử lý vết thương, cứu trái tim ngừng đập

(Dân trí) - Bệnh nhân bị dao đâm thấu tim, nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng được đưa thẳng lên phòng mổ cấp cứu. Ngay khi mở ngực trái, màng ngoài tim bệnh nhân xuất hiện vết thương kích thước 1,5 cm, tim không còn nhịp đập.

Ngày 13/6, BVHNĐK Nghệ An cho biết, trước đó vào khoảng 23h59 ngày 05/06, khoa cấp cứu Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận nạn nhân là anh Nguyễn Thành P. trú xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc khi bị đâm trọng thương thấu ngực trái, xuyên vào tim, huyết áp khó bắt, mạch nhanh.

Bác sỹ cấp cứu lập tức mời hội chẩn chuyên khoa Ngoại lồng ngực. Kết quả siêu âm cấp cứu ngay tại giường bệnh cho thấy hình ảnh nhiều dịch tràn ngoài màng tim. Bệnh nhân được nhanh chóng xử lý cấp cứu ban đầu; đồng thời huy động phòng mổ cấp cứu, tức tốc chuyển mổ tối khẩn.

Ngay khi rời cửa khoa cấp cứu, bệnh nhân P. xuất hiện ngừng tim, ngừng thở. Êkip cấp cứu vừa chạy đẩy cáng nhanh nhất có thể, vừa liên tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực. Còn nước còn tát, để giành giật sự sống cho bệnh nhân, khoảnh khắc ấy, các bác sỹ khoa cấp cứu nỗ lực không ngừng hồi sức tích cực để bệnh nhân được chuyển phẫu thuật kịp thời.

Bệnh nhân P. tim ngừng đập sau khi bị đâm đã được bác sỹ BVHNĐK Nghệ An cứu sống một cách kỳ diệu.
Bệnh nhân P. tim ngừng đập sau khi bị đâm đã được bác sỹ BVHNĐK Nghệ An cứu sống một cách kỳ diệu.

“Ngay khi mở ngực trái, màng ngoài tim bệnh nhân xuất hiện vết thương kích thước 1,5 cm, tim không còn nhịp đập. Mở rộng màng ngoài tim, êkip phẫu thuật đã phát hiện và giải phóng cục máu đông lớn gây chèn ép, giúp tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại. Đồng thời, với lực co bóp của quả tim, máu của bệnh nhân phun xối xả, phụt thẳng vào mặt phẫu thuật viên. Dùng ngón tay chèn thẳng vào vết thương đang phun máu, chúng tôi nhanh chóng dùng chỉ khâu 2 mũi chữ U. Vết thương tim nhanh chóng được khống chế”- BSCKI, Hồ Thái Phúc, khoa Ngoại - Lồng ngực chia sẻ.

Trong số các vết thương tim thì vết thương vùng thất trái nặng nhất và khó xử lý bởi áp lực co bóp.

“Chúng tôi chỉ có rất ít phút ngắn ngủi để cứu sống bệnh nhân, nên nếu chậm trễ đôi chút, bệnh nhân sẽ tử vong. Cứu sống được bệnh nhân P., đó là sự phối hợp khẩn trương giữa ê kíp hồi sức cấp cứu và ê kíp phẫu thuật ngoại khoa, tất cả đều đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết, quyết tâm làm cho trái tim của nạn nhân phải đập trở lại.

Thực sự trong lúc cấp cứu, dù bệnh nhân không có người thân đi kèm; mọi thủ tục, thông tin cơ bản chưa rõ ràng; và nguy cơ phơi nhiễm bệnh lý rất cao vì chưa kịp làm xét nghiệm máu cho bệnh nhân, nhưng êkip chúng tôi vẫn quyết tâm cứu bệnh nhân bằng mọi giá”, - BS Phúc vui mừng chia sẻ thêm thông tin bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được hồi sức, tỉnh táo hoàn toàn.

Nguyễn Phê