Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng:

Niềm hy vọng mới cho người hiếm muộn

(Dân trí) - ThS. BS Đặng Quang Vinh, BV Vạn Hạnh cho biết: “Hiện nay, BV đã thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (HTPTM) với việc dùng acid tyrode và tia laser cho khoảng 200 trường hợp hiếm muộn”.

Sau những thành công của kỹ thuật phôi thoát màng (assisted hatching) giúp cho phụ nữ hiếm muộn có thêm niềm tin vào y học trong việc chữa trị hiếm muộn, nhất là đối với kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng hiện nay, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng 2 BS Đặng Quang Vinh và BS Hồ Mạnh Tường những người tiên phong trong việc áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến này.

 

Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

 

Ở người bình thường, trứng và tinh trùng thụ tinh tạo thành hợp tử trong vòi trứng rồi vào tử cung và bắt đầu phân chia thành phôi. Phôi có một lớp màng bảo vệ bên ngoài trong suốt. Vào ngày thứ 7 phôi chui ra khỏi màng và kết vào tử cung của người phụ nữ và phát triển thành thai nhi.

 

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, màng này không tách ra nên dù áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON),  dù phôi có tốt, hay được chuyển phôi trữ lạnh nhưng vẫn không thể thành công. Vì thế với kỹ thuật HTPTM này, sẽ giúp cho việc TTTON có tỷ lệ thàng công  lên đến 45 - 50% so với TTTON không áp dụng kỹ thuật HTPTM (chỉ đạt tỷ lệ thành công vào khoảng 35%).

 

Các phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng

 

Kỹ thuật HTPTM lần đầu tiên được áp dụng ở Mỹ vào năm 1989 do TS. Cohen thực hiện với phương pháp làm bằng Acid Tyrode.

 

Hiện nay trên thế giới có 4 phương pháp được áp dụng để HTPTM gồm: phương pháp làm mỏng màng trong suốt bằng acid tyrode (đây là phương pháp phổ biến nhất), thứ 2 là làm mỏng màng trong suốt bằng tia laser, thứ 3 làm mỏng màng trong suốt bằng men Pronase và phương pháp làm mỏng màng trong suốt bằng cơ học.

 

Các phương pháp trên đều có mục đích chung là làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt để giúp phôi sau khi vào buồng tử cung thoát ra và phát triển dễ dàng thành thai cao hơn. Chi phí cho kỹ thuật HTPTM 1 lần tại IVF Vạn Hạnh là 750.000đ cho cả 2 phương pháp trên. Nếu một trường hợp TTTON có áp dụng HTPTM thì chi phí chung sẽ là 16.150.000đ/1 ca.

 

BS Đặng Quang Vinh cho biết: “ Hiện BV Vạn Hạnh đang áp dụng hay phương pháp làm mỏng màng trong suốt bằng acid tyrode và bằng tia laser. Hiện nay, tại Việt Nam với sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhóm chuyên gia A.R.T Consulting kỹ thuật HTPTM đã triển khai ở BV Vạn Hạnh và BV Phụ sản Quốc tế”.

 

- Phương pháp acid tyrode: chuyên viên phôi học sẽ bơm một lượng acid tyrode để làm mỏng màng phôi. Kỹ thuật này đòi hỏi tay nghề kỹ thuật của chuyên viên phôi học phải cao, chủ yếu là do cảm nhận, để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi khi bơm nhiều acid. Ngược lại nếu bơm ít acid thì không hiệu quả nhưng ưu điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư thấp.

 

Phương pháp dùng tia laser giúp bào mòn (làm mỏng) trên màng phôi cách chính xác, rất thuận tiện trong sử dụng và chuyển giao công nghệ hay đào tạo chuyên viên. Đặc biệt khi áp dụng phương pháp tia laser, dù màng phôi có độ dày mỏng khá nhau nhưng với thiết bị chuyên viên phôi học sẽ xác định được độ dày mỏng của  màng phôi trước khi bắn tia laser. Tuy nhiên, chi phí cho đầu tư khá cao (1 máy laser có giá trên 40.000 USD).

 

Được biết, vào tháng 11/2008 sẽ có buổi hội thảo về lý thuyết và thực hành nhằm chuyển giao kỹ thuật HTPTM với sự tham dự của các trung tâm TTTON trên cả nước tham dự.

 

Các nghiên cứu của nước ngoài đã xác nhận, không có sự khác biệt về các chỉ số sản khoa cũng như sự phát triển sau này của các bé sinh ra TTTON với phương pháp HTPTM so với nhóm dân số sinh tự nhiên.

Tương lai của kỹ thuật HTPTM tại Việt Nam

 

Ca đầu tiên với phương pháp HTPTM bằng acid tyrode đã thành công vào tháng 6/2008, trên thai phụ N.M.P, sau 6 lần chuyển phôi tươi(5) và phôi trữ lạnh(1), và lần thứ 7 với phôi trữ lạnh được áp dụng phương pháp HTPTM đã giúp cho chị N.M.P được thụ thai.

 

Sau thời gian khoảng 5 tuần kể từ khi chuyển phôi thành công, người phụ nữ sẽ được siêu âm, sau khi chắc chắn thai đã “đậu” trong tử cung, lúc đó người mẹ sẽ được báo tin thành công. Lúc này, người mẹ sẽ được theo dõi thai cũng như sinh hoạt như những thai phụ bình thường.

 

Vào đầu tháng 8 qua, BS Hồ Mạnh Tường, hội nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho biết BV Vạn hạnh đã thành công một ca TTTON với sự hỗ trợ của kỹ thuật HTPTM bằng tia laser một kỹ thuật hiện đại đang được áp dụng trên thế giới. Thai phụ P.K, 33 tuổi này đã áp dụng TTTON bình thường 4 lần trước đó nhưng đều thất bại.

 

Kỹ thuật HTPTM sẽ giúp cải thiện tỷ lệ đậu thai cao, đặc biệt đối với những người phụ nữ lớn tuổi, ít phôi, hay có phôi dày bất thường hay với những  người có phôi tốt nhưng thất bại với các lần điều trị trước hoặc cho những người phải chuyễn phôi trữ lạnh.

 

Các BS Đặng Quang Vinh, Hồ Mạnh Tường đều hy vọng với việc áp dụng thành công kỹ thuật HTPTM, tỷ lệ thành công của TTTON ở Việt Nam ngày càng được nâng cao.

 

Ngọc Thanh