1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những triệu chứng bệnh nguy hiểm từ các cơn đau đầu

Nhiều người khi đau đầu thường có thói quen “đổ lỗi” ngay cho thời tiết, thiếu máu, stress... mà không hề hay biết, đây có thể là một trong những triệu chứng của các căn bệnh nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Các chuyên gia cảnh báo: Thuốc giảm đau như con dao hai lưỡi, dùng nhiều sẽ ảnh hưởng, không nên sử dụng quá 2 ngày trong tuần. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cảnh báo: Thuốc giảm đau như con dao hai lưỡi, dùng nhiều sẽ ảnh hưởng, không nên sử dụng quá 2 ngày trong tuần. Ảnh minh họa

Nguy cơ tử vong vì… đau đầu

Cách đây 2 tháng, chị P.T.N (29 tuổi, ở Vĩnh Phúc) thấy hay đau đầu. Cơn đau không dữ dội mà cứ âm ỉ khoảng vài ngày. Chị N cho rằng, vì bản thân sức khỏe yếu, từng mắc nhiều bệnh khác như tim, phổi… nên không đi khám mà chỉ sử dụng thuốc giảm đau. Sau gần một tháng, cơn đau vẫn không dứt, thậm chí còn tăng nặng, chị đến Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) để kiểm tra. Sau khi được thăm khám và chụp cộng hưởng từ, chị N “té ngửa” vì phát hiện mình bị “xuất huyết dưới màng nhện”.

Làm các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện chị N bị tắc nhiều mạch máu não nhỏ và nhận định có thể bệnh đã xuất hiện lâu nhưng chị không hay biết. Theo các bác sĩ, trường hợp của chị N khá nguy hiểm, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, một phần do kết hợp yếu tố bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Dù đã uống thuốc, hiện chị N vẫn xuất hiện những cơn đau đầu âm ỉ. Mọi sinh hoạt của chị đều chỉ ở trên giường bệnh, bởi chỉ cần ngồi dậy, cơn đau sẽ hành hạ, kèm theo choáng váng và buồn nôn.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cũng tiếp nhận một ca bệnh chỉ với biểu hiện là đau đầu kéo dài suốt 2 tháng. Sau khi dùng thuốc giảm đau kéo dài không hiệu quả, anh Phùng Tiến H (29 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) đến bệnh viện khám. Kết quả chụp cộng hưởng từ, phát hiện bệnh nhân có khối u vùng tuyến yên có kích thước 2cm.

ThS.BS Dương Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), người trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân này cho biết: "Khối u lành tính nhưng kích thước lớn nên gây chèn ép, khiến bệnh nhân đau đầu liên tục, không thuyên giảm. Bình thường, nếu để khối u tuyến yên phát triển thêm, bệnh nhân không dừng lại ở triệu chứng đau đầu mà còn có thể gây ra rối loạn nội tiết như: Vô sinh, vô kinh, bất lực, tiết sữa ở vú, hoặc u chèn ép vào giao thoa thị giác gây giảm thị lực, thậm chí mất thị lực hoàn toàn. Ngoài ra, còn gây rối loạn về huyết áp, tuần hoàn và phát triển như tay to, chân to, hàm to...”.

Nguy nhất là đau đầu không có dấu hiệu "chỉ điểm"

BS Dương Trung Kiên cho hay: Nguyên nhân đau đầu có hai loại là đau đầu bệnh lý và đau đầu triệu chứng nhưng rất khó để có thể phân biệt. Với chứng đau đầu bệnh lý, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do tác động của công việc, stress, thay đổi thời tiết… Đau đầu triệu chứng thường gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh nhưng không để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, đau đầu bệnh lý có thể là một trong những biểu hiện của những căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người như: U não, u tuyến yên hay vỡ túi phình động mạch… và liên quan đến rất nhiều căn bệnh không chỉ về thần kinh.

“Chính vì đau đầu không thuộc về một bệnh nào cố định nên rất dễ dẫn đến bỏ sót, hoặc chẩn đoán không chính xác, ảnh hưởng tới phương pháp điều trị bệnh. Đáng lo ngại nhất là đau đầu không kèm theo các dấu hiệu "chỉ điểm" như buồn nôn, chóng mặt, nhìn mờ, sụp mi, kinh nguyệt kéo dài… mà cứ uống thuốc lại đỡ nhưng không thể điều trị triệt để”, BS Dương Trung Kiên nói.

Một trong những cơn đau đầu nguy hiểm nhất có thể gây ra tử vong đối với người bệnh là đau đầu do vỡ túi phình động mạch. Người bệnh có cơn đau đầu dữ dội. Sau khi túi động mạch bị vỡ lần 1, theo cơ chế đông cầm máu của cơ thể, có thể tự bịt lại các nút vỡ nên nhiều người chủ quan, không còn quan tâm. Tuy nhiên, BS Dương Trung Kiên cảnh báo, nếu không thăm khám, điều trị kịp thời và để túi phình động mạch này vỡ lần 2 thì nguy cơ tử vong lên tới 80 - 90%. Điều đáng nói là trong khi các bệnh liên quan đến đau đầu ngày càng có xu hướng trẻ hóa thì những người trẻ lại thường có tâm lý chủ quan hơn hẳn so với người cao tuổi hoặc người có nền bệnh sẵn như cao huyết áp...

Dùng giảm đau thế nào, đi đâu khám?

Những người hay bị stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thiếu ngủ còn có thể bị đau nửa đầu. Một số người còn được gọi là cái máy "dự báo thời tiết", bởi cứ khi thời tiết thay đổi là đầu lại đau. Bên cạnh đó, có khoảng 30 - 40% bệnh nhân tới khám vì đau vỏ đầu. Theo BS Dương Trung Kiên, đau đầu thời tiết hay đau vỏ đầu là do mạch máu dưới da co thắt. Nếu tái diễn nhiều lần phải được thăm khám, điều trị giảm đau, giãn cơ, tăng cường sức bền thành mạch".

Hiện nay, nhiều người có thói quen, hễ đau đầu là đi mua thuốc giảm đau về uống, tuy nhiên không hiểu biết chính xác về việc sử dụng loại thuốc này.

PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần Việt Nam cảnh báo: “Thuốc giảm đau như con dao hai lưỡi, dùng nhiều sẽ ảnh hưởng. Do đó, thuốc giảm đau không nên sử dụng quá 2 ngày trong tuần. Nhiều trường hợp vì lạm dụng thuốc nên dẫn đến một loại đau đầu mới khó điều trị hơn. Đó là đau đầu do dùng thuốc quá nhiều”. Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng thuốc giảm đau có chứa paracetamol còn ảnh hưởng tới dạ dày, men gan, gây ra những phản ứng trên da.

Các chuyên gia cũng lưu ý, một số bệnh đau đầu nguy hiểm có dấu hiệu cảnh báo. Do đó, nếu bệnh nhân phát hiện ra, cần phải đi khám ngay lập tức tại các cơ sở y tế có trang bị máy chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp. Hội Đau đầu Mỹ khuyến cáo, khi không tìm được nguyên nhân đau đầu, uống thuốc giảm đau 3 ngày không cắt được triệu chứng, tái diễn thì cần thiết phải đi khám. Khi đau đầu ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, bệnh nhân cũng phải có ý thức đi khám ngay. Đặc biệt lưu ý những cơn đau đầu dữ dội, buốt óc thì phải đi khám vì nó cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm.

BS Dương Trung Kiên nhấn mạnh, với đối tượng phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, giai đoạn này thường xuất hiện triệu chứng bốc hỏa, đau nửa đầu, cần theo dõi và thăm khám cẩn thận để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác dẫn đến phát hiện muộn. Người có tiền sử gia đình bị cao huyết áp, tai biến, nếu có dấu hiệu đau đầu thì phải đi khám tầm soát.

Ngoài việc nâng cao ý thức, không chủ quan với bệnh đau đầu, mỗi người nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi tuần, một người phải vận động thể lực khoảng 135 phút, với điều kiện không bỏ cách quá 2 ngày.

Theo Thu Nguyên

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm