Những thức ăn dễ nhiễm nhiều giun xoắn
Từ đầu hè đến nay, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, luôn hoạt động quá công suất. Bệnh nhân nhập viện phần lớn là do ăn phải những thức ăn bị nhiễm khuẩn như tiết canh, nem chạo, lòng lợn, nem chua rán...
Hầu hết những vụ ngộ độc thường là cả gia đình hoặc tập thể và đều trong tình trạng nặng rất nguy hiểm. Điển hình là một gia đình 7 người ở Tạ Quang Bửu-Hà Nội bị đau bụng, nôn, tiêu chảy vì ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Hai người nặng hơn phải vào viện cấp cứu. Hai gia đình khác ở Phương Mai - Hà Nội ăn tiết canh lợn bị sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy cấp, tụt huyết áp... cũng được đưa vào đây. Số người bị ngộ độc vì các loại tiết canh ở Hà Nội và những tỉnh lân cận ngày một tăng, không dưới 7 trường hợp/ngày.
Kết quả những mẫu xét nghiệm cho thấy 100% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.Coli và tụ cầu vàng. Đây là những vi khuẩn chịu được nhiệt độ cao, chịu được trong môi trường acid và rượu. Khi xâm nhập vào thức ăn, những vi khuẩn này sẽ thải ra độc tố vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải sẽ bị nhiễm độc tố nên gây ra tình trạng sốt cao, nôn, đau bụng, tiêu chảy, mất nước, tụt huyết áp, trụy tim mạch... Ngoài ra kết quả xét nghiệm và soi phân ở những bệnh nhân trên, Trung tâm còn phát hiện thấy nhiều giun đũa, giun móc, giun tóc và đặc biệt dầy đặc ấu trùng giun xoắn trichinella spiralis.
Trong những loài giun gây bệnh ở nước ta, đáng sợ nhất là là giun xoắn. Đây là một bệnh giun nguy hiểm hơn nhiều so với bệnh giun sán thông thường.
Loài giun này thường gây sốt cao kéo dài ở người. Giai đoạn đầu, bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm sang nhiễm khuẩn thương hàn, sốt rét... Giun xoắn chủ yếu sống trong ruột non.
Trong cơ thể người, giun xoắn phát triển theo 3 giai đoạn. Thời kỳ đầu, giun xoắn ngự ở ruột làm cho người bệnh bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng như tả, nôn, đau bụng, sốt 40 - 41 độ. Một tuần sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập ồ ạt vào máu, hạch bạch huyết của người bệnh làm cho họ sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần lễ thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được.
Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2-3 tháng. Bệnh nhân thường tử vong vào tuần thứ hai và tuần thứ bảy tùy theo số lượng thịt bệnh nhân ăn phải đã nhiễm giun. Phần lớn người bệnh tử vong do cơ thể suy mòn cực độ kèm theo biến chứng phổi và loét da. Với những người may thoát hiểm, vẫn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.
Hiện nay việc chuẩn đoán bệnh nhân nhiễm giun xoắn không khó. Song do các cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm và phương tiện xét nghiệm nên người bệnh thường bị phát hiện quá muộn, thậm chí bị chẩn đoán nhầm sang bại liệt, thương hàn, nhiễm khuẩn cấp tính không rõ nguyên nhân... Do vậy với những biểu hiện điển hình trên, người bệnh nhất thiết phải được làm xét nghiệm tìm kháng thể bằng phương pháp Elisa và sinh thiết cơ. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị giun xoắn, đặc biệt là với các ấu trùng thành kén nằm trong các cơ. Cách chữa chủ yếu vẫn là làm giảm triệu chứng và đề phòng biến chứng. Vì vậy biện pháp phòng bệnh hàng đầu vẫn là kiểm định các loại thịt, thực phẩm và ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ.
Theo Đại đoàn kết