1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những thông tin thú vị về vắc xin

(Dân trí) - Ngày nay, dùng vắc xin để phòng bệnh là một kiến thức quá phổ cập trong cộng đồng. Tuy nhiên, sau những tai biến do chủng ngừa vắc xin, nhiều người dân lo lắng, thậm chí có người đặt vấn đề có nên chủng vắc xin nữa hay không? Bài viết này đưa ra những thông tin khoa học về vắc xin trong phòng các bệnh lây nguy hiểm.

Vắc xin là gì?

Đây là tên có được sau 20 năm nghiên cứu. Nguồn gốc như sau: Edward Jenner (1749-1822), bác sĩ miền quê nước Anh, thấy rằng những người vắt sữa bò không bao giờ mắc bệnh đậu mùa. Ông ta nghĩ rằng có lẽ những người này do mắc bệnh bệnh đậu bò (cowpox, bệnh vaccine), dạng như đậu mùa nhưng nhẹ hơn, ít nguy hiểm hơn, đã giúp cho họ có khả năng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa.

Jenner lấy một số mủ từ tay của một cô gái vắt sữa bị mắc đậu bò đưa vào da chú bé James Phipps, số lượng mủ tăng dần dần. Sau đó ông cố tình cho Phipps lây bệnh đậu mùa. Bệnh phát ra nhưng lành nhanh ngay sau đó và chẳng để lại di chứng nào.

Vậy là, vào năm 1796, sau hơn 20 năm quan sát và nghiên cứu, bác sĩ Jenner là người đầu tiên tìm ra thuốc chủng ngừa đậu mùa. Thời đó, bệnh đậu mùa là căn bệnh quá khủng khiếp về mức độ lây lan và các biến chứng để lại vĩnh viễn trên da như rỗ mặt, sẹo da….Việc tìm ra thuốc chủng bệnh đậu mùa đã giúp Jenner được giải thưởng quốc gia đến 500.000 quan, quá lớn vào thời đó.

Vì bệnh đậu bò và “thuốc” chủng ngừa đậu mùa đều có liên quan đến con bò cái, vacca theo tiếng La tinh, nên từ vắc xin (vaccin, thuốc chủng) ra đời từ đây.

Vắc xin hoạt động như thế nào? 

Khi một vi sinh vật lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được "báo động" và "lưu giữ" những thông tin này. Các tế bào bạch cầu lympho B sẽ được kích hoạt để sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại đúng các vi sinh vật lạ đã xâm nhập. Lượng kháng thể được sinh tổng hợp càng nhiều khi vật lạ vào cơ thể càng lặp lại nhiều lần.

Những thông tin thú vị về vắc xin - 1

Tiêm chủng là cách tập cho cơ thể nhận biết mầm bệnh để chống lại thông qua việc sản xuất các kháng thể đặc hiệu tương ứng. Có thể ví chủng ngừa như là một cuộc tập trận để cơ thể trẻ nhận biết kẻ thù. Để lượng kháng thể càng nhiều chúng ta cần tiêm nhắc vắc xin nhiều lần.

Kháng thể có tính đặc hiệu rất cao, ví như vắc xin bại liệt không phòng được bệnh dại, vắc xin viêm gan không phòng được ho gà…

Sau vắc xin đậu mùa do bác sĩ Edward Jenner phát hiện, nhiều vắc xin phòng bệnh khác lần lượt ra đời đáng kể như: thuốc chủng ngừa bệnh dại và bệnh than của Louis Pasteur, thuốc chủng ngừa bệnh dịch hạch của Alexandre Yersin, thuốc chủng ngừa lao B.C.G do Calmette và Guerin….

Hiện nay, có rất nhiều vắc xin phòng bệnh được bào chế theo cùng nguyên lý gây miễn dịch “tập trận” cho con người như suy nghĩ của Jenner cách đây đã 200 năm !!!

Chủng ngừa vắc xin: phòng bệnh hiệu quả nhất!

Với tính phòng vệ thiết thực và đặc hiệu (chọn lọc) cao, có thể nói chủng ngừa vắc xin là cách phòng bệnh lây nhiểm cực kỳ hiệu quả. Hiện nay, dù có những tiến bộ vũ bão trong y khoa, nhưng rất nhiều bệnh chưa điều trị dứt điểm được thậm chí còn gây tử vong như bệnh dại, bệnh uốn ván, bệnh viêm gan siêu vi B…

Do đó, chủng ngừa mở rộng ( expanded program of immunization EPI ) vẫn là một khâu rất quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ngành y tế của các nước trên toàn cầu.

Vài nét cơ bản về vắc xin Quinvaxem

Quinvaxem là vắc xin “5 trong 1”, do phối hợp để phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Haemophilus influenzae type b (Hib).

Quinvaxem do hãng Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được WHO khuyến cáo sử dụng từ năm 2006.

Những thông tin thú vị về vắc xin - 2

Tính tới nay hơn 400 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng ở 91 quốc gia. Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam từ tháng 6/2010. 

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin Quinvaxem cũng giống như sử dụng vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như: (1) Khóc thét dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng, (2) Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng, (3) Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều và (4) Sốc phản vệ rất hiếm chỉ xảy ra với tỷ lệ 20/1.000.000 (hai mươi phần triệu liều). 

Ba điều lưu ý khi chủng ngừa

Trong chủng ngừa, có ba điều cần lưu ý:

(1) Một là chất lượng vắc xin, hãng bào chế nào, nước nào sản xuất?

(2) Hai là kỹ thuật tiêm chủng, tiêm thời điểm nào, đường chủng ngừa uống hay chích?

(3) Ba là khâu bảo quản thuốc chủng, đây là khâu vô cùng quan trọng. Vắc xin là một sinh phẩm “đặc biệt”, phải được bảo quản tốt trong một “dây chuyền lạnh” chuẩn mới đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Bảo quản không tốt, vắc xin bị hỏng không đơn giản chỉ là mất giá trị, hiệu quả mà lúc này vắc xin có thể bị biến đổi thành “chất độc” cho cơ thể con người.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm