1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những thông điệp kêu cứu câm lặng

(Dân trí) - “Tôi liên tục phát đi tín hiệu kêu cứu, nhưng không ai hiểu và nghe được. Tôi rơi vào trạng thái vô cùng tồi tệ và chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đời mình… May mắn là tôi đã thoát khỏi “hố đen” trầm cảm trước khi tự kết thúc cuộc sống của mình”.

Trầm cảm dễ dẫn tới tự sát

Ngồi trước nhiều người cô gái với vóc dáng ưa nhìn và khuôn mặt ấn tượng, Trần Thu Hà đã có thể dũng cảm cho biết, mình đã từng là một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm rất nặng. Có một  gia đình êm ấm, công việc ổn phù hợp với thu nhập ổn định, nhưng cách đây vài tháng, do tác động trong chuyện tình cảm đã biến Hà từ một cô gái hiện đại, năng động trở nên u ám, trầm uất. Cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc, nhưng không ai biết rằng cuộc sống đối với cô đã trở nên vô nghĩa. Vẻ ngoài của Hà ngày càng gầy guộc, xanh xao, khép kín và những ý nghĩ bi quan về cuộc sống khiến cô thường xuyên nghĩ đến cái chết.

“Tôi liên tục phát đi tín hiệu kêu cứu bằng những câu giao tiếp với bạn bè kiểu như: “Cuộc đời này chả có gì thú vị!”. Nhưng có lẽ không ai hiểu được tín hiệu đó. Tình trạng nặng đến mức tôi không đáp ứng những loại thuốc chống trầm cảm và thậm chí không còn biết đau. Tôi đã rơi vào trạng thái vô cùng tồi tệ và chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đời mình”, Hà kể lại.

Theo PGS.TS Trần Hữu Bình, Cố vấn Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: Tự sát hoặc luôn có ý nghĩ tự sát là một trong những hậu quả mà người mắc bệnh trầm cảm mắc phải. Ông Bình đưa ra nhận định: Trầm cảm và tự sát luôn theo nhau như hình với bóng. Do đó, trên thực tế đây là bệnh nguy hiểm nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Những thông điệp kêu cứu câm lặng - 1
Đại diện của WHO tọa đàm với báo chí về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam. (Ảnh: TT)
 
BS Lại Đức Trường, Cán bộ tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cho tới nay, hầu như chưa có nghiên cứu đầy đủ về sức khỏe tâm thần được tiến hành tại Việt Nam. Hiện đối tượng được các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị tại liên quan sức khỏe tâm thần mới mới chỉ nằm trong nhóm bệnh tâm thần phân liệt (điên) và động kinh.

Theo BS Trường, từ năm 1999 - 2000, tại Việt Nam cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần, nhưng chỉ tập trung ở một số nhóm như: Phụ nữ sau sinh và trẻ em. Trong khi đó, trên thực tế, tất cả các đối tượng trong xã hội đều có thể mắc phải vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, trong đó có bệnh trầm cảm.

Chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, GS. Harry Minas, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc tế, ĐH Melbourne, Australia, cho rằng sự phát triển nhanh về kinh tế và xã hội khiến nhiều người ngày càng thấy bất an, lo lắng về cuộc sống và tương lai của mình. Những tác động của xã hội như: Nghèo đói, thất nghiệp, bi kịch trong gia đình…  là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Nếu người bệnh không nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ gia đình, cộng đồng và xã hội, kết hợp với điều trị bằng thuốc sẽ dẫn đến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Điều trị trầm cảm tại cộng đồng: Rẻ và hiệu quả

Theo BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 (Hà Nội), số lượng người có dấu hiệu liên quan đến bệnh lý tâm thần tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ chuyên khoa về tâm thần tại Việt Nam  vẫn còn rất thiếu. Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Hữu Bình cách điều trị bệnh trầm cảm phổ biến hiện nay là bệnh nhân cần tuân thủ một quy trình chữa bệnh bằng thuốc và theo dõi kéo dài tại các cơ sở chuyên khoa tuyến TƯ.

Tuy nhiên, như trường hợp của Thu Hà, cô thậm chí không còn đáp ứng với tất cả các loại thuốc chống trầm cảm. Cuối cùng, nhờ sự yêu thương của gia đình và những buổi điều trị tâm lý tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Sức khỏe Thể- Tâm - Trí, Hà đã vượt qua được căn bệnh trầm cảm, trở về với cộng đồng.

Những thông điệp kêu cứu câm lặng - 2
BS Trần Thị Hải Vân, Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng đang tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm. (Ảnh: TT)
 
Hiện mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được quan tâm phát triển. Như Dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại Tỉnh Khánh Hòa và TP Đà Nẵng (thực hiện từ tháng 1/2009, do Quỹ cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) điều hành đã thu được những kết quả khả quan.

Dự án đã triển khai áp dụng thí điểm một loại liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm, gọi là liệu pháp kích hoạt hành vi (behavioral activation - BA). Các cộng tác viên y tế thôn/tổ/xóm tiến hành sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ngay tại cộng đồng. Người dân có nguy cơ trầm cảm được mời đến trạm y tế xã, phường để khám. Tại đây, các bác sỹ chuyên khoa của bệnh viện tâm thần tỉnh phối hợp với cán bộ trạm y tế xã sẽ khám và xác định bệnh trầm cảm.  Bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm sẽ được điều trị, theo dõi ngay tại trạm y tế xã, phường. Bệnh nhân được dùng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý sau một thời gian đã phục hồi và có thể trở về sinh hoạt bình thường với gia đình, cộng đồng.

BS Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh viện đang kết hợp với VVAF thực hiện thí điểm mô hình này tại 5 xã, phường thuộc Đà Nẵng. Theo BS Ngọc, ưu điểm dễ thấy của quá trình điều trị trầm cảm tại đồng đồng đó là giúp bệnh nhân giảm cảm giác bị kỳ thị, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Cùng đó, sự tương tác giữa bệnh nhân và bác sỹ trong quá trình trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu biết chính xác về bệnh của mình, và đặc biệt là cách vượt qua khi tái bệnh.

Trầm cảm là tình trạng buồn nặng nề, giảm hoặc mất hứng thú kéo dài ít nhất 2 tuần, kèm theo các triệu trứng như: mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon…dẫn đến ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị bệnh có 3 đặc trưng chính: Buồn, mất hứng thú và mệt mỏi. Vì lý do nào đó, họ luôn có cảm giác tội lỗi, bi quan, mất tự tin, giảm ham muốn tình dục.

Khoảng 15% dân số có thể mắc trầm cảm vào lúc nào đó trong cuộc đời. 70% bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩ chán sống. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân trầm cảm có thể điều trị khỏi và phòng tránh tái phát bệnh hiện sớm và điều trị kịp thời.

P. Thanh