Những thành công đáng ghi nhận của kỹ thuật ghép thận từ người cho ngưng tim
(Dân trí) - Sau thành công của kỹ thuật ghép thận từ người cho sống; người cho chết não, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục triển khai ghép thận từ người cho ngưng tim. Nguồn thận hiến từ người cho ngưng tim đang mở ra cánh cửa sự sống cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
"Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập" là một trong những công trình khoa học tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt dành cho lĩnh vực Y tế năm nay.
Để thông tin cụ thể hơn về kỹ thuật ghép thận từ người cho ngưng tim, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép các Bộ phận cơ thể Người, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.
Thưa TS Ngọc Thu, xin bà chia sẻ về nhu cầu ghép thận của người bệnh và khả năng đáp ứng hiện nay tại Việt Nam?
Nhu cầu được ghép trên những người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối không chỉ bức thiết tại Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Thế giới hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% số ca có nhu cầu ghép, mỗi ngày có khoảng 20 đến 25 người chết trong thời gian chờ nhưng không có thận ghép.
Ước tính, số người có nhu cầu ghép thận tại Việt Nam hiện nay khoảng 10.000 người. Đến nay, trên cả nước mới thực hiện được khoảng 2.200 ca ghép từ người cho sống; 170 ca ghép từ người cho đã tử vong. Số ca được ghép mới chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu của người bệnh.
Trong cơ thể người, thận có cấu tạo gồm 2 quả, nếu cả hai đều hoạt động tốt thì một người có thể cho đi một thận, thận còn lại vẫn duy trì được chức nặng của cơ thể nhưng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi chẳng may thận còn lại bị tổn thương do tai nạn hoặc bệnh lý liên quan. Vì mỗi người khỏe mạnh có thể “bớt” đi một quả thận nên vấn đề buôn bán thận đang trở thành nỗi bức xúc mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thưa TS Ngọc Thu, thời gian qua những kỹ thuật ghép nào đã được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai cho người suy thận giai đoạn cuối?
Khởi đầu trên thế giới là kỹ thuật ghép thận từ người cho ngưng tim. Tuy nhiên, chức năng thận ở người ngưng tim kém hơn người cho chết não (tim còn đập, huyết áp còn, mạch còn, chức năng tưới máu còn). Song hiện nay với sự phát triển của y học, các giải pháp trong việc tổ chức hồi sức, tiếp nhận tạng, bảo quản, vận chuyển... đã giúp ích rất hiệu quả giúp tận dụng được nguồn tạng hiến từ người cho ngưng tim.
Tại Chợ Rẫy, từ năm 1992, sau khi cử y bác sĩ đi học tập ở các bệnh viện trong nước và quốc tế, bệnh viện đã thực hiện ca ghép đầu tiên nhờ nguồn thận hiến từ người cho sống, kỹ thuật này hiện đã được thực hiện thường quy. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề thiếu hụt tạng thận ghép, giải pháp ghép tạng trên người cho chết não ngưng tim là một trong những nhu cầu bức thiết phải phát triển trong hệ thống ghép.
Do đó, sau khi có Luật hiến lấy ghép mô các bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác (năm 2007), Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các tiêu chuẩn nhận thận hiến từ người hiến chết não” (đề tài cấp thành phố). Đến năm 2008 Chợ Rẫy nhận được ca hiến trên người cho chết não đầu tiên (con trai cho mẹ) được ghép thành công. Hiện kỹ thuật này đã được thực hiện khá phổ biến. Sau kỹ thuật trên chúng tôi tiếp tục triển khai ghép thận nguồn hiến từ người cho tim ngừng đập.
Mong bà chia sẻ sơ lược về những thành công bước đầu của kỹ thuật ghép thận từ người cho tim ngừng đập?
Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, từ năm 2013 đến năm 2015, bệnh viện thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Ghép thận từ người cho tim ngừng đập”, năm 2016 đề tài được nghiệm thu. Ghép thận từ người cho tim ngừng đập khó hơn so với các kỹ thuật ghép từ người cho sống, người cho chết não. Khi tim ngừng đập thì tình trạng thiếu máu cơ quan cũng sẽ xuất hiện, do đó sự tổn thương cơ quan đã xảy ra.
Tuy nhiên (như đã nói ở trên) nếu được tổ chức tốt từ khâu hồi sức, tiếp nhận tạng, bảo quản, vận chuyển... nguồn tạng hiến từ người ngưng tim vẫn được nhận và ghép khá hiệu quả.
Thực tế triển khai tại Chợ Rẫy và tham khảo ở nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận sự hồi phục chức năng của bộ phận thận ghép từ người cho ngưng tim trong thời gian sau ghép chậm hơn so với nguồn từ người cho sống, người cho chết não. Tuy nhiên, trong thời gian dài sau ghép sự phục hồi chức năng của thận ghép từ các nguồn hiến không có sự khác biệt.
Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 3 ca ghép từ người cho tim ngừng đập. Dù chưa như mong đợi, nhưng chúng tôi đã đạt được thành công, hiện 2 trường hợp đầu tiên được ghép từ người cho tim ngừng đập thận vẫn hoạt động bình thường. Trường hợp thứ 3 được ghép, bệnh nhân bị nhiễm trùng trong quá trình hậu phẫu nên không qua khỏi.
Trên thực tế, đến nay đã có 7 người bệnh bị ngưng tim hiến tạng, nếu hệ thống điều phối hoàn thiện và hoạt động tốt thì chúng tôi đã có cơ hội để cứu được nhiều người bệnh hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các bệnh viện chưa có được sự liên kết, thông tin kịp thời nên khi Chợ Rẫy nhận được thông báo có nguồn hiến thì đã quá trễ.
Việc triển khai thành công kỹ thuật ghép thận từ người cho ngưng tim sẽ giải quyết được những vấn đề gì thưa TS Ngọc Thu?
Việc ghép thành công thận từ người cho tim ngừng đập sẽ giúp nguồn tạng hiến tặng tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa với nhiều ca bệnh đang thoi thóp chờ ghép sẽ có thêm cơ hội được cứu sống, giảm gánh nặng từ người bệnh suy thận cho gia đình, xã hội. Mặt khác, nguồn tạng từ người hiến ngưng tim nếu được điều phối tốt, sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán thận, ghép thận bất hợp pháp.
Bên cạnh tính khả thi mang lại, kỹ thuật ghép thận từ người cho tim ngừng đập nói riêng và lĩnh vực ghép tạng nói chung đang gặp những khó khăn gì thưa bà?
Việt Nam chưa có những quy định về Luật pháp liên quan tới lĩnh vực hiến tạng từ người cho tim ngừng đập hiện là khó khăn lớn nhất mà những người làm công tác chuyên môn chúng tôi đang phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng, kết quả từ đề tài nghiên cứu “Ghép thận từ người cho tim ngừng đập” sẽ góp phần tư vấn, bổ sung chỉnh sửa những điều Luật có liên quan trong tương lai gần nhất.
Nhiều kỹ thuật ghép thận đã được thực hiện thành công tại BV Chợ Rẫy.
Về lĩnh vực ghép tạng nói chung, thực tế cho thấy có hai khâu trọng tâm là kỹ thuật ghép và tổ chức ghép. Đến nay bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được tất cả những phương pháp ghép tạng, trình độ không thua kém các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong khâu tổ chức chúng ta còn nhiều hạn chế. Muốn lĩnh vực ghép tạng mang lại hiệu quả tối ưu trong việc cứu người, Việt Nam cần phải có quy chế tổ chức chính thức xuyên suốt trong cả hệ thống y tế; quản lý mang tính độc lập nguồn tạng hiến và người đăng ký nhận để tạo dựng lòng tin trong cộng đồng, từ đó ngăn chặn nguy cơ mua bán tạng có thể xảy ra.
Vân Sơn (lược ghi)