Những quan điểm trái ngược về bệnh “chim sệ cánh”
(Dân trí) - Việc Bộ Y tế công bố phác đồ điều trị bệnh "chim sệ cánh" đã phần nào giải toả được mối lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con em bị bệnh và trong độ tuổi dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những quan điểm trái ngược và cả những vấn đề mới có thể phát sinh trong quá trình điều trị.
Thực chất của bệnh chim sệ cánh?
Chiều 22/5, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương đã công bố kết quả nghiên cứu ban đầu về nguyên nhân gây xơ hóa cơ Delta. Theo đó, nguyên nhân nhân xơ hóa cơ Delta là do quá lạm dụng kháng sinh. Hầu hết các bệnh nhân đều đã từng tiêm kháng sinh nhiều lần và tiêm vào cơ Delta. Trên thực tế, cách tiêm này đã được cảnh báo từ cách đây gần 1 năm.
Tuy nhiên, trái với kết quả công bố của PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, TS Nguyễn Hữu Công, cán bộ giảng dạy bộ môn nội thần kinh, Trung tâm đào tạo cán bộ y tế TPHCM cho rằng xơ hoá cơ delta gây các triệu chứng như co rút cơ, xương bả vai nhô cao, thường chỉ bị ở một bên vai, nguyên nhân thường là tiêm nhiều kháng sinh và các loại thuốc khác vào cơ delta nhưng đây là một bệnh lý hiếm gặp.
TS Công cho rằng có nhiều nguyên nhân gây triệu chứng xơ hoá cơ delta, có thể là tổn thương dây thần kinh mũ, tiêm thuốc… Tuy nhiên, nguyên nhân thường thấy nhất của tình trạng yếu các cơ vùng vai, bao gồm cả cơ delta gây những biểu hiện của bệnh “chim sệ cánh” như hiện nay là các bệnh về cơ, mà chủ yếu là loạn dưỡng cơ. Hơn nữa, hầu hết các bệnh nhân đều bị xơ cơ cả hai vai, nên việc khẳng định do tiêm là không thuyết phục mà là các cháu mắc bệnh cơ. PGS Vũ Anh Nhị, Trưởng bộ môn nội thần kinh ĐH Y Dược TPHCM cũng đồng ý với quan điểm rằng nếu tiêm là nguyên nhân khiến cơ delta bị teo thì chỉ teo một bên.
Hiện mỗi ngày BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận trên 200 bệnh nhân nghi xơ hóa cơ Delta.
Mỗi ngày 20 bệnh nhân xơ hoá cơ được phẫu thuật.
Toàn bộ giường nằm, phẫu thuật tại khoa Chỉnh hình nhi đều được ưu tiên, dành toàn bộ cho các bệnh nhân xơ hoá cơ. |
Chuyên gia này cũng khẳng định chắc chắn rằng những trường hợp teo cơ delta ở VN cũng không phải do loạn dưỡng cơ, mà là do lạm dụng kháng sinh, tiêm nhiều vào cơ delta.
“Do vậy, chúng tôi không làm xét nghiệm loại trừ giữa các bệnh nhân xơ cơ delta với bệnh loạn dưỡng cơ vì không nghĩ đến khả năng này, mặc dù tại VN hoàn toàn có thể xét nghiệm xác định bệnh loạn dưỡng cơ. Trên thực tế, những dấu hiệu của bệnh loạn dưỡng cơ khác hẳn với những biểu hiện của những bệnh nhân teo cơ delta hiện nay”, chuyên gia này khẳng định.
Theo chuyên gia này, loạn dưỡng cơ thường bị teo cơ gốc chi đối xứng, trương lực cơ giảm, phản xạ cơ xương mất hoặc giảm, hoạt động tinh vi của những cơ nhỏ ở tay hoặc chân giảm hoặc mất. Trong khi đó, các bệnh nhân xơ cơ delta dù cơ bị co cứng nhưng vẫn có thể dang tay quá 90độ ( tức là cơ không bị yếu, lực cơ vẫn tốt, trương lực cơ không giảm, phản xạ gân xương không mất và cũng không giảm. Hoạt động tinh vi của những cơ nhỏ ở tay hoặc chân không giảm, không mất, nó vẫn làm việc bình thường, có cảm giác).
Còn biểu hiện biến dạng lồng ngực, cột sống, cứng khớp có thể gặp ở cả loạn dưỡng cơ và xơ cơ delta, nhưng những biến dạng do loạn dưỡng cơ là vì các cơ yếu, không giữ được các khung xương nên gây biến dạng. Còn xơ cơ delta bị biến dạng là do cơ co kéo, kéo lồng ngực làm cho lồng ngực biến dạng.
Phác đồ điều trị của Bộ Y tế là tối ưu?
Ngày 5/5, Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị xơ cơ delta và áp dụng trên toàn quốc. Theo phác đồ này, bệnh xơ cơ delta được điều trị bằng phẫu thuật, gây mê hoặc gây tê tại chỗ, vết rạch dài 3 – 5cm, cắt phía trên bó xơ (còn gọi là cắt nguyên uỷ của bó xơ), giải phóng dải cơ xơ hoá giúp cánh tay dễ dàng khép vào thành ngực. Được biết, để có được phác đồ điều trị này, hội đồng đã phải họp tới lần thứ 9 mới có thể thống nhất.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong các công trình nghiên cứu về xơ hoá cơ dellta được công bố trên các tạp chí Y học Việt Nam: Điều trị phẫu thuật có cứng dang khớp vai sau tiêm kháng sinh trong cơ dellta ở trẻ em (1999); Điều trị phẫu thuật xơ hoá cơ dellta sau tiêm kháng sinh trong cơ trẻ em (2004); Sai khớp vai do xơ hoá cơ dellta sau tiêm kháng sinh trong cơ dellta ở trẻ em (2005) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng Khoa Chỉnh hình nhi viện Nhi TƯ đã đề cập tới 8 kỹ thuật mổ khác nhau và đều đánh giá về những ưu, nhược điểm của các kỹ thuật này.
8 phương pháp này là cắt cơ phía trên; cắt giữa bó xơ; cắt bám tận của bó xơ; làm dài dải xơ theo hình chữ Z và làm đầy vết mổ; tách hai dải xơ xong nối lại làm đầy vết mổ; cắt dải xơ đồng thời chuyển bó sau của cơ delta ra trước để lấp đầy ổ khuyết; cắt chữ Z dải xơ, chuyển bó sau vào dải xơ đã được kéo dài; Làm dài dải xơ theo mặt phẳng trục và chuyển bó sau của cơ delta và dải xơ này để lấp ổ khuyết
Trong các công trình nghiên cứu này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng đã chỉ ra những nhược điểm đáng sợ của 3 phương pháp cắt cơ phía trên; cắt giữa bó xơ; cắt bám tận của bó xơ, đó là tạo thành một cái hốc rộng từ 2,5 – 3cm, dài từ 4,5 – 5cm, thậm chí đến 6cm, sâu khoảng 2,5cm. Hốc này sau phẫu thuật sẽ là nơi chứa dịch, máu - một điều rất kỵ trong phẫu thuật vì khả năng nhiễm khuẩn rất dễ xảy ra. Sau đó, về lâu dài, vết mổ sẽ tạo thành hình bậc thang làm khớp vai trở nên méo mó ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Trong các công trình nghiên cứu này, TS Hưng cho rằng 3 nguyên tắc trong phẫu thuật xơ hoá cơ delta cần ghi nhớ, đó là: Tuỳ thuộc vào tổn thương nhận thấy trong mổ; phải lấp cho đầy ổ khuyết (vì mổ xong ổ khuyết lớn); bảo vệ tối đa cơ lành để lựa chọn được phương pháp mổ tối ưu, mang lại lợi ích nhất cho người bệnh.
Trong khi đó, phác đồ điều trị xơ hoá cơ delta hiện nay của Bộ Y tế là cắt giữ bó cơ – 1 trong 3 kỹ thuật mà PSG.TS Nguyễn Ngọc Hưng đã cảnh báo. Điều đáng nói nữa là sau khi ban hành phác đồ này, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để phẫu thuật, giảm bớt sự quá tải tại BV Nhi TƯ.
Giải thích cho thắc mắc này, ông Lý Ngọc Kính (Vụ trưởng Vụ điều trị) cho rằng, phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành chỉ mang tính hướng dẫn, còn trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ mổ sẽ có những xử trí hợp lý nhất.
Như vậy, trong khi nguyên nhân chưa được làm rõ thì câu hỏi mới lại đặt ra: Liệu với thời gian tập huấn 2 ngày, các bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến huyện có thể “mạnh dạn” để ứng biến trong từng trường hợp cụ thể hay lại xảy ra tình trạng “trăm người như một”?!
Hồng Sam – Kim Tân