1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người nghiện… đau

Các hành vi tự hủy hoại bản thân nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến đổi nhân cách ở bệnh nhân, thậm chí dẫn đến tự tử.

Những người nghiện… đau
Hành vi tự hủy hoại là một biểu hiện bất ổn tâm thần cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Trong ảnh: Khám cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM 

 

Cầu cứu bác sĩ trên một diễn đàn y khoa, P.L.T.T, một học sinh lớp 12, kể lại: “Thuở nhỏ, em từng chứng kiến một người hàng xóm rơi vào cảnh khốn cùng khi bỗng dưng bị phá sản và mắc bệnh AIDS, phải bán nhà và về ở trong một chòi nhỏ lụp xụp. Những ngày cuối đời, người thân của ông không ai lui tới. Có lần em nghe ông nằm rên trong chòi, hình như kêu ai đó. Ngày hôm sau, người ta nói ông đã qua đời…

 

Câu chuyện đó nhiều năm nay cứ ám ảnh em. Rồi em học hành kém đi. Những lần ba mẹ mắng, em hay trốn vô phòng, dùng dao lam cứa vào tay. Hình như máu chảy đi thì sự đau đớn trong lòng em cũng tan theo. Nhưng em nghĩ điều đó có lẽ không bình thường…”. Theo các bác sĩ, T. đã mắc phải hội chứng tự hủy hoại bản thân, nguyên nhân từ chứng ám ảnh sợ đã theo em suốt nhiều năm.

 

Nhiều cách tự làm đau

 

ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, cho biết ông đã chứng kiến nhiều bệnh nhân “sáng tạo” ra nhiều cách thức tự làm đau hết sức kỳ quái: Một nữ bệnh nhân đã 8 lần tự tử được người nhà đưa đến cầu cứu bác sĩ vì phát hiện cô này liên tục lấy những cây kim khâu tự đâm vào vùng bụng, gây chảy máu; một nữ bệnh nhân khác lấy nước sôi nhỏ vào vùng mi mắt làm vùng mắt và quanh mắt bị thương, vào đến bệnh viện lại liên tục dùng tay tự tát vào mặt và lảm nhảm những lời như tự buộc tội mình… “Các hành vi tự hủy hoại thường gặp nhất ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng bị hại, ám ảnh sợ, trầm cảm…

 

Nguy hiểm hơn là hành vi tự hủy hoại trong cơn hoang tưởng, người bệnh bị một ảo giác, ảo thanh nào đó khiến họ tưởng rằng mình bị ai đó yêu cầu tự trừng phạt, bị ai đó mắng chửi hay đe dọa, buộc họ phải chết hay tự làm đau. Một số ban đầu tự làm mình bị thương (rạch, cứa tay chân cho chảy máu) vì đua đòi, muốn chứng tỏ nhưng lâu ngày đâm “nghiện” vì những hành động tiêu cực này ảnh hưởng đến nhân cách, tạo ra những suy nghĩ lệch lạc và cũng có thể làm phát sinh những bất ổn về tinh thần sau một thời gian”, BS Quang phân tích.

 

Theo BS Quang, các bệnh nhân mắc chứng tự hủy hoại thường tìm đến nhiều cách thức làm đau khác nhau như rạch, đâm vào da thịt, nuốt đồ vật (tóc, đinh, dao cạo)… Các hành động này không chỉ là một biểu hiện tâm thần mà còn có thể khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm, phải cấp cứu, ví dụ như lỡ rạch quá đà, chạm phải mạch máu, nuốt phải các vật sắc nhọn làm tổn thương các cơ quan bên trong, bị tắc ruột do nuốt nhiều tóc hoặc những vật có thể gây tắc nghẽn…

 

Cẩn trọng với trầm cảm

 

Theo BS Đoàn Phú Bình, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Tâm thần TP HCM, có những bệnh nhân trầm cảm xuất hiện ý tưởng muốn chết, và những hành vi tự hủy hoại (đập đầu, rạch tay chân…) còn có thể do mục đích này. Khi đó, việc chữa trị không chỉ điều trị những vết thương do họ tự gây ra mà còn đòi hỏi có sự tham gia của bác sĩ tâm thần thì mới chấm dứt được chuỗi hành vi này.

 

Những người lạm dụng rượu cũng có thể xuất hiện hành vi tự hủy hoại. Hành vi này dễ xảy ra nhất khi họ vào cơn say rượu, khi người nghiện rượu phải ngưng rượu đột ngột trong một thời gian (đi tàu xe đường dài, nhập viện trị bệnh...). Họ thường kích động và có nhiều biểu hiện bất ổn về tâm thần, có nhiều nét giống với cơn vật vã do hội chứng cai ở người cai nghiện ma túy. Nhóm người lạm dụng ma túy và các chất kích thích khác cũng có thể xuất hiện hành vi tự hủy hoại.

 

BS Quang cũng cảnh báo khoảng cách giữa các hành vi tự hủy hoại bản thân và các hành vi gây thương tổn người khác có thể không xa nếu người đó thực sự đang mang những ám ảnh và hoang tưởng… của bệnh tâm thần.

 

Không nên tự điều trị

 

Nhiều người khi thấy thân nhân có hành vi tự hủy hoại, thường cố gắng khuyên nhủ, an ủi về mặt tâm lý nhưng theo các chuyên gia, những lời khuyên không hề đủ. BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết các bệnh nhân khi vào viện thường cần được điều trị phối hợp bằng thuốc và liệu pháp hành vi kết hợp với thay đổi môi trường sinh hoạt và làm việc. BS Đoàn Phú Bình thì khuyến cáo: “Dù với lý do gì, khi một người “nghiện” sự đau đớn, muốn tự hủy hoại mình thì đó đã là dấu hiệu cho thấy họ có bất ổn tâm thần và cần đến bác sĩ chuyên khoa”.

 
Theo Anh Thư

Người lao động