1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người là "ngân hàng máu sống" vượt đêm tối đi cứu người

Hồng Hải

(Dân trí) - Cô gái 33 tuổi ở Hưng Yên, khi nghe "cuộc gọi nóng" từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lúc 20h30 tối đã lập tức nhờ chồng chở xe máy, vượt quãng đường 40km lên Hà Nội cứu người.

Xuyên đêm ra Hà Nội cứu người

Có mặt tại chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023 diễn ra ngày 17/12 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Đinh Thị Thơm (33 tuổi, Hưng Yên) cho biết, năm nay, chị đã hiến máu 4 lần, không còn "tiêu chuẩn" hiến tiếp.

Chị chia sẻ, năm 2019, trong một lần đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị biết mình mang nhóm máu hiếm Rh(D) âm.

Từ đó, chị tham gia câu lạc bộ những người hiến máu nhóm máu hiếm phía Bắc. 

Lúc đầu, chị không biết nhiều về ý nghĩa của "ngân hàng máu sống", khi các bác sĩ, những người trong câu lạc bộ luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, vì bất cứ thời điểm nào ai cần máu, mình cũng phải sẵn sàng hiên.

Cho đến lần nhận được "cuộc gọi nóng" của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, lúc 20h30 cần gấp máu truyền cho bệnh nhân tai nạn giao thông rất nặng tại Bệnh viện Việt Đức.

Nghĩ đến quãng đường xa, đêm tối, nhưng nếu không đi bệnh nhân có thể chết vì thiếu máu, chị vội nhờ chồng chở xe máy, vượt 40km lên Bệnh viện Việt Đức hiến.

"May mắn, bệnh nhân qua khỏi. Tôi thấy rất hạnh phúc và càng thấy được ý nghĩa của nhóm máu mình đang mang", chị Thơm nói.

Bất cứ khi nào nhận được cuộc gọi nhờ hiến máu, chị đều sắp xếp để đi. Riêng năm 2023 chị đã hết tiêu chuẩn hiến máu, phải chờ hồi phục mới có thể hiến tiếp.

Cũng tham gia câu lạc bộ máu hiếm, chàng trai Hải Anh (30 tuổi) đang làm ở một phòng khám tại Nam Định cũng luôn trong tâm thế "giữ mình" khỏe mạnh, vì không biết lúc nào sẽ có người cần đến máu của mình.

Những người là ngân hàng máu sống vượt đêm tối đi cứu người - 1

Anh Hải Anh hiến máu sáng 17/12 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Ảnh: Trần Chiến).

Từ năm 2 đại học, anh khi biết mình mang nhóm máu hiếm, đến nay đã hiến máu 20 lần.

Nhắc lại một kỉ niệm, giọng anh trầm xuống, vì day dứt. Anh kể, một lần nhận điện thoại thông báo khẩn cần người máu hiếm ở Bệnh viện Việt Đức, anh vượt quãng đường hơn 100km lên viện, nhưng tới nơi, người bệnh đã không thể qua khỏi.

Biết ơn những "ngân hàng máu sống"

Ngày 17/12, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023.

TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2023, nhu cầu máu và chế phẩm máu tại các bệnh viện khu vực phía Bắc tăng hơn khoảng 10% so với năm trước, trong đó, nhu cầu sử dụng chế phẩm máu nhóm hiếm cũng tăng đột biến.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nhận được dự trù chế phẩm máu trong năm 2023 từ các cơ sở y tế lên đến 668 đơn vị nhóm hiếm. Số lượng này cao gần gấp đôi so với năm 2022 và cao chưa từng có so với trước đây.

Cao điểm nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3 năm nay, chỉ trong 2 tháng, Viện Huyết học - Truyền máu TW đã nhận được dự trù đề nghị cung cấp máu và chế phẩm máu nhóm hiếm là 180 đơn vị (bằng một nửa so với cả năm 2022), cả máu và tiểu cầu nhóm hiếm O Rh(D) âm đều cần nhiều hơn.

Để đáp ứng nhu cầu trên, lượng máu nhóm hiếm sẵn có chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu này, số còn lại Viện phải huy động, gọi điện mời gọi người hiến máu nhóm hiếm.

Đặc biệt, chế phẩm tiểu cầu chỉ có thời hạn bảo quản tối đa 5 ngày, nên Viện cũng không thể dự trữ sẵn mà chỉ huy động khi có dự trù. Việc hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn, có những thành viên chỉ vừa đủ thời gian hiến nhắc lại là được mời hiến lần tiếp theo ngay.

"Chúng tôi biết ơn những "ngân hàng máu sống". Họ là những người ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, luôn ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân để khi ai cần là hiến máu, bất cứ thời điểm nào". 

Những người là ngân hàng máu sống vượt đêm tối đi cứu người - 2

Những người nhóm máu hiếm được tôn vinh tại sự kiện (Ảnh: Trần Chiến).

TS Quế cũng chia sẻ thực trạng của người thân, người nhà những người có nhóm máu hiếm rất hoang mang, lo lắng khi người thân cần máu.

"Ở nhiều nơi, khi có ca cấp cứu nhóm máu hiếm thì người nhà chủ động đăng tải kêu gọi lên mạng xã hội hoặc gọi điện trực tiếp cho người có nhóm máu hiếm dẫn đến việc bị nhiễu thông tin.

Có trường hợp viện đã huy động người hiến máu và cung cấp đủ máu, nhưng vì thông tin đăng tải nên nhiều người nghĩ rằng cần thêm lặn lội lên đến nơi.

Hay bác sĩ chỉ thông báo rằng bệnh nhân có nhóm máu hiếm, có thể sẽ cần nhưng chưa có chỉ định truyền máu, nhưng người nhà đã đăng thông tin kêu gọi hiến máu.

Do đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không khuyến khích cộng đồng đăng tải thông tin cần máu hiếm lên mạng xã hội. Với bệnh nhân máu hiếm cần truyền máu, các bệnh viện đều có kết nối để Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều phối, kêu gọi người máu hiếm đi hiến máu", TS Quế thông tin.