1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người đau mà không tìm ra bệnh

(Dân trí) - Hai năm trời, bà Tạ Thị Hoa (55 tuổi) luôn có cảm giác ăn không ngon, buồn nôn, nôn, khó thở... Con cái đã đưa bà đi khám đủ các chuyên khoa nhưng không tìm ra bệnh trong khi, các biểu hiện đó ngày càng rõ ràng hơn....

Những người đau mà không tìm ra bệnh - 1
Đối với người già, sự quan tâm, thăm hỏi... rất có ý nghĩa trong quá trình điều trị (Ảnh: PTTHLamson)
Khó nhận biết             
 
Theo lời khuyên của bác sĩ, các con muốn đưa bà tới chuyên khoa sức khỏe tâm thần để khám thì bà tự ái, cho rằng con nghĩ mình đã già, “thần kinh có vấn đề”, chẳng bệnh tật gì mà suốt ngày kêu đau đớn. Thuyết phục mãi, bà cũng đồng ý tới Viện sức khỏe tâm thần khám.
 
BS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Phó Viện sức khỏe tâm thần trực tiếp khám và xác định bà bị trầm cảm. Nhờ điều trị thuốc đáp ứng khá tốt, những dấu hiệu thực thể của bà Hoa đã đỡ đi rất nhiều.

Theo BS Tuấn, bệnh trầm cảm ở người già không biểu hiện như ở người trẻ là u uất, ít nói... mà biểu hiện không điển hình. Vì thế, không dễ dàng để phát hiện nếu không đi khám ở bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Bệnh nhiều khi lại biểu hiện dưới dạng rối loạn các chức năng cơ thể như rối loạn giấc ngủ, đau nhiều bộ phận trong cơ thể, mệt mỏi, ăn không ngon... Nhiều người già được con đưa đi khám hết viện nọ đến viện kia mà vẫn không tìm ra bệnh. Không ai nghĩ những triệu chứng thực thể đó lại khám chuyên khoa tâm thần nên bệnh rất hay bỏ sót.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Lý, 50 tuổi ở Yên Lạc, có dấu hiệu ăn uống kém ngon, hay bị rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, cơ thể hay bị đau nhức, cảm giác như kiến bò; buồn bực. Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm, dù con cái đưa bà đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Gặp chúng tôi tại Viện sức khoẻ tâm thần, khi những triệu chứng trên đã đỡ đi rất nhiều, bà kể: trước đó, ở quê, bà rất khoẻ mạnh, chẳng bệnh tật gì. Hai ông bà ở nhà, ngoài 3 bữa cơm, thời gian còn lại bà rảnh là đi chùa chiền, đi tập văn nghệ cùng với hội phụ nữ thôn xóm. Khi con dâu sinh cháu, bà lên Hà Nội chăm nom. 4 tháng đầu, bà vẫn ra ngoài, tập tành buổi sáng nhưng từ khi con dâu đi làm, từ sáng đến tối, bà chỉ có thời gian lo cho cháu ăn, ngủ, chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Được vài tháng thì bà bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau người…

Mãi gần đây, đi thăm một người nhà nằm ở Viện sức khoẻ tâm thần, kể về những dấu hiệu của mình và được bác sĩ khám, bà mới biết đó là dấu hiệu của trầm cảm tuổi già. Căn bệnh lần đầu tiên bà nghe tới và cũng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ mắc, vì với bà, chăm con cháu là niềm vui. Nhưng bác sĩ giải thích, chính việc ở nhà trông cháu suốt ngày, không có sự giao lưu, không có các hoạt động bên ngoài... khiến con người rất dễ căng thẳng, ức chế, buồn chán dẫn đến trầm cảm mà không biết.

Vì thế, theo BS Tuấn, nếu thầy có những dấu hiệu thực thể trên kéo dài, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám tâm thần.

Trị liệu tâm lý quan trọng không kém thuốc

BS Tuấn cho biết, trầm cảm ở người già thường nặng hơn người trẻ, do các cơ quan trong cơ thể đều đã lão hoá, lại hay phải dùng thuốc.
 
Việc dùng thuốc men sẽ có thể gây nhiều tác dụng phụ. Như với thuốc điều trị cao huyết áp, có thể gây trầm cảm thứ phát.
 
Ở người già cũng có nhiều nguy cơ khởi phát và tái phát trầm cảm hơn do những thay đổi về tâm sinh lý, khả năng thích nghi với môi trường kém hơn người trẻ. Trong cuộc sống của người cao tuổi, có vô số những biến cố, thay đổi có thể tác động, khiến họ cảm thấy tủi thân, cô đơn, lo lắng, xung đột…

Điều trị trầm cảm ở người già cũng lâu, phức tạp hơn. Do người già đáp ứng thuốc kém hơn, dễ bị tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Thông thường, các cụ bị trầm cảm khi phát hiện bệnh thường phải điều trị nội trú 1-2 tháng và lâu hơn nữa.

BS Tuấn khẳng định, với điều trị trầm cảm ở người già, trị liệu tâm lý quan trọng không kém thuốc. Hai phương pháp này bổ trợ cho nhau giúp người bệnh mau bình phục. Để có thể trị liệu tâm lý, sự quan tâm, thăm hỏi của con cháu, người thân là vô cùng quan trọng. Nhưng ngày nay, dường như mọi người đều quá bận rộn cho công việc, học hành nên thiếu thời gian quan tâm, chia sẻ, lắng nghe người khác. Chính vì thế, không ít người già cảm thấy mình là người thừa, hụt hẫng vì vừa nghỉ việc, lại thấy lời nói của mình không có người lắng nghe… đã dẫn tới bị trầm cảm. Khi vào viện, lại thiếu sự quan tâm của con cháu thì việc điều trị càng khó khăn hơn.

BS Tuấn không khỏi bức xúc khi kể với chúng tôi về trường hợp một cụ bà 70 tuổi, đã nằm viện điều trị trầm cảm được gần 3 tháng và tình trạng bệnh lý của bà đã rất ổn định. Bác sĩ khuyên con cháu cho cụ xuất viện để về xum vầy với gia đình, vui đùa cùng con cháu. Khi về nhà, mỗi ngày cụ chỉ cần uống một viên thuốc theo hướng dẫn. Thế nhưng, cả con trai, con gái, con dâu, con rể của cụ lại không muốn cụ xuất viện mà tiếp tục xin điều trị nội trú, vì lý do bận rộn, ở nhà không có người chăm nom. Dù bác sĩ khuyên nhủ rất nhiều, về nhà, không khí ấm cúng gia đình sẽ tốt hơn là môi trường bệnh viện nhưng con cái vẫn khăng khăng xin cho cụ ở lại tiếp.

BS Tuấn cũng lưu ý, người già đã bị trầm cảm, rất dễ tái phát, nên con cái cần yêu thương, chăm lo, quan tâm tới các cụ. Người già nên tích cực hoạt động xã hội, tham gia các câu lạc bộ, giao lưu, trao đổi với bạn bè… để tinh thần luôn thoải mái, thanh thản sẽ có lợi cho sức khoẻ tâm thần của người già.

Hồng Hải