Những “nghi vấn” xoay quanh thuốc giảm béo

(Dân trí) - Uống thuốc hoặc một số sản phẩm trà giảm béo liệu có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tác dụng nhanh chóng đến mức nào, liều dùng ra sao?… là những thắc mắc thường gặp. Dưới đây là những đáp án của các chuyên gia tư vấn sức khỏe hàng đầu Phần Lan.

  

Những “nghi vấn” xoay quanh thuốc giảm béo - 1


1. Cơ chế hoạt động và tác dụng của thuốc giảm béo?

 

Hiện nay, thuốc giảm béo có 2 cơ chế chính là: Một loại làm mất hoạt tính của lipase trong dạ dày và đường ruột, giảm khả năng hấp thụ các chất béo, hạn chế lượng calo tích tụ trong cơ thể, từ đó có tác dụng giảm béo. Loại còn lại tạo cho chúng ta cảm giác kiềm chế được sự thèm ăn của bản thân, là loại thuốc lý tưởng cho những người lúc nào cũng cảm thấy đói và chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống.

 

Hai loại thuốc giảm béo này chỉ có tác dụng hỗ trợ cho quá trình giảm cân, song không thể xem là thần dược điều trị triệt để béo phì.

 

2. Thuốc giảm béo có tác dụng phụ?

 

Theo các nhà khoa học, phàm là thuốc thì đều có tác dụng phụ, do đó, cần tránh lạm dụng thuốc.

 

Loại thứ nhất ảnh hưởng nhiều đến dạ dày nhưng lại ít ảnh hưởng đến các huyết dịch. Biểu hiện thường thấy như trướng bụng, đau bụng, khó đi ngoài…Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ vitamin, kali, các chất béo hòa tan.

 

Tác dụng phụ thường gặp của loại thứ 2 gây khô miệng, táo bón, mất ngủ, nhức đầu, ra mồ hôi, đau nửa đầu. Một số người khi dùng thuốc có biểu hiện tăng huyết áp, tim đập loạn nhịp…

 

3. Đối tượng nào có thể uống thuốc giảm béo an toàn?

 

Cần dùng thuốc giảm béo theo đúng chỉ định của bác sỹ hoặc những người có chuyên môn. Tránh dùng những loại thuốc không ghi rõ xuất xứ và thành phần thuốc trên bao bì.

 

Trước tiên, cần xác định trọng lượng của cơ thể theo công thức chuẩn BMI. Nếu trọng lượng vượt quá tiêu chuẩn 20% mới nên dùng thuốc giảm béo. Tuy nhiên, thuốc giảm béo chỉ có thể hỗ trợ được phần nào. Điều quan trọng là bạn phải xây dựng thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý.

 

Tiếp đó, trải qua quá trình ăn kiêng và luyện tập nghiêm chỉnh mà thấy cân nặng giảm đáng kể nhưng vì nguyên nhân nào đó, vài tháng sau cân nặng lại quay trở lại. Lúc này, dùng thuốc giảm béo để điều trị theo chỉ định của bác sỹ là khá phù hợp.

 

4. Lưu ý những gì?

Cần đặc biệt lưu ý đến những tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt, cần có kế hoạch dùng thuốc cụ thể, ước lượng khoảng thời gian và lượng dùng, kết hợp với việc ghi chép, theo dõi mọi biểu hiện trên cơ thể.

 

Cụ thể, trước hết xin chỉ định dùng thuốc của bác sỹ. Các bác sỹ sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe của bạn (tim mạch, tiêu hóa, yếu tố tinh thần…) để có những biện pháp trị liệu tương ứng, hạn chế tối đa tác dụng không tốt của thuốc.

 

Cần hết sức chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong khi uống thuốc. Loại thực phẩm nào nên ăn hoặc nên kiêng cần được chỉ định rõ ràng. Một mặt nó không gây phản ứng với các thành phần thuốc, mặt khác thúc đẩy quá trình giảm béo. Đặc biệt là thanh thiếu niên, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho quá trình dậy thì, nếu không cơ thể sẽ còi cọc, chậm phát triển.

 

Tốt nhất nên kiểm tra huyết áp định kỳ, 4-6 tuần/lần, bởi các thành phần thuốc rất dễ gây cao huyết áp. Nếu xét nghiệm lượng đường, mỡ máu định kỳ thì càng tốt.

 

Khi thấy có những biểu hiện bất thường xuất hiện trên da hoặc trong cơ thể cần lập tức dừng uống thuốc và đến các trung tâm sức khỏe để được tư vấn.

 

Phạm Hằng

Theo Lady