Những lưu ý dinh dưỡng cho người cao tuổi
Do tuổi tác, nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi khác hẳn các lứa tuổi khác.
Khi tuổi càng cao, hoạt động của các cơ quan trong đó có ruột và dạ dày càng suy giảm, răng cũng yếu hơn, giảm vị giác và khứu giác khiến người lớn tuổi giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn uống kém.
Thêm vào đó, việc hấp thu dưỡng chất kém, bữa ăn thiếu cân bằng khiến người cao tuổi thường xuyên đối diện với vấn đề thiếu vitamin, khoáng chất.
Cùng với sự suy giảm của sức đề kháng do tuổi tác, khả năng phục hồi sau bệnh càng chậm hơn và rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Do đó, để đảm bảo đủ chất, chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi cần lưu ý:
Thường thì, nhu cầu năng lượng giảm dần theo tuổi tác, ví dụ một người 70 tuổi có nhu cầu năng lượng thấp hơn khoảng 30% so với khi 20 tuổi nhưng khả năng tiêu hóa và hấp thu lại kém đi. Vì vậy, chế độ ăn của người lớn tuổi phải cân đối 4 nhóm dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất: ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt cá, giảm tinh bột, đường… chú ý uống đủ nước; không ăn mặn; hạn chế ăn mỡ động vật, nước ngọt có gas, đồ ngâm chua, thực phẩm chế biến lại; tránh xa các chất có hại: thuốc lá, rượu, bia…
Bên cạnh việc cần cân đối thực phẩm trong các bữa để đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng nêu trên, những món ăn dành cho người cao tuổi cần được chú ý từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến cũng như thói quen sinh hoạt, ăn uống.
Trong đó, người cao tuổi cần ăn uống điều độ, tránh ăn quá no, đặc biệt buổi tối trước khi đi ngủ và khi có bệnh ở hệ tim mạch. Kể cả những ngày lễ tết cũng không nên ăn quá mức bình thường.
Việc chế biến các thực phẩm cũng nên quan tâm đến các món ăn dễ tiêu hóa, phong phú về gia vị, kích thích ăn ngon miệng, nên làm thức ăn mềm, nấu nhừ (chú ý tới món canh) vì tuyến nước bọt và hàm răng của người nhiều tuổi hoạt động kém, khó nhai và nuốt thức ăn. Cần đảm bảo vệ sinh trong chế biến, nấu nướng món ăn và giữ gìn vệ sinh ăn uống.
Bên cạnh các bữa ăn chính, người cao tuổi có thể bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bằng các sản phẩm dinh dưỡng có công thức chuyên biệt cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý đến yếu tố về nguồn gốc xuất xứ, thời hạn rõ ràng; các thành phần có trong sản phẩm dinh dưỡng; mức độ hợp khẩu vị… để mang lại hiệu quả tốt cho người sử dụng. Ngoài ra, công thức của các sản phẩm dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ các loại vitamin & khoáng chất cần thiết như Vitamin B,A,C,E,...Kẽm, Magie, Selen,... giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng, ăn ngon, ngủ tốt. Một dưỡng chất quan trọng được chiết xuất từ mầm bông cải xanh (Glucoraphanin) có tác dụng tốt trong việc đào thải độc tố trong cơ thể, chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa các chứng bệnh của tuổi già. Để có hệ tim mạch khỏe mạnh, người cao tuổi nên chú ý bổ sung thêm chất béo chiết xuất từ thực vật (Plant sterols), giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu đi vào máu từ thức ăn hàng ngày, từ đó giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch tốt hơn. Một cách đơn giản để có hệ xương chắc khỏe là đảm bảo một tỷ lệ cân đối giữa Canxi : Phốt pho: Vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ Canxi một cách hiệu quả.
Người cao tuổi nên bổ sung sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày (ảnh minh họa)
Theo chuyên gia dinh dưỡng, cần đảm bảo cho người cao tuổi được ăn uống thoải mái, có được nguồn vui trong các bữa ăn uống hằng ngày. Nguồn vui được tạo ra do sự chăm sóc, tình cảm của người thân trong gia đình khi chế biến các món ăn mà người cao tuổi yêu thích. Nguồn vui còn do bản thân người cao tuổi biết cách giữ gìn ăn uống điều độ, biết kết hợp ăn uống với hoạt động của đôi chân đi bộ đều đặn hằng ngày, với hoạt động của bộ óc, hoạt động của trái tim nhân hậu, tấm lòng cởi mở có quan hệ tốt với mọi người. Tất cả đều giúp cho người cao tuổi luôn luôn thanh thản, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu, tiêu hóa hấp thu tốt.