Những lợi ích sức khỏe của sữa ong chúa
(Dân trí) - Sữa ong chúa là một chất màu trắng giống như sữa được những con ong tiết ra và chứa các protein, lipid, vitamin, enzyme và khoáng chất. Nó được tạo ra, trước hết và quan trọng nhất, như một nguồn thức ăn dành riêng cho ong chúa và ong non.
Đối với người, sữa ong chúa là một chất bổ sung tự nhiên có thể cung cấp một loạt các lợi ích kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm. Đối với những người quan tâm đến việc bổ sung sữa ong chúa vào chế độ ăn hoặc thói quen làm đẹp, dưới đây là tất cả những gì cần biết về chất bổ sung.
Sữa ong chúa mang lại những lợi ích sức khỏe gì?
Mặc dù cần nghiên cứu thêm về chủ đề này (và cụ thể là ở người), nhưng các nghiên cứu hiện này đã cho thấy sữa ong chúa mang lại một loạt lợi ích cho sức khỏe.
Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Trong một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Complementary Therapies in Medicine, 110 nữ sinh viên y khoa từ Đại học Y khoa Tehran đã được hướng dẫn uống một viên nang sữa ong chúa 1.000mg hoặc một viên giả dược mỗi ngày trong hai chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp. Kết quả cho thấy những người dùng viên nang sữa ong chúa gặp các triệu chứng PMS ít nghiêm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, lý do sữa ong chúa có thể giúp PMS là vì nó chứa nhiều vitamin nhóm B như thiamine (B1), riboflavin (B2), axit folic (B9) và biotin (B7), và nhiều loại khác. Vitamin nhóm B rất tốt cho hệ thần kinh và sửa chữa mô, hai đích đến quan trọng đối với bệnh nhân điều trị vô sinh và tiền mãn kinh, đặc biệt là những người bị hội chứng tiền kinh nguyệt.
Cải thiện số lượng hồng cầu
Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Advanced Biomedical Research cho thấy những người tình nguyện khỏe mạnh ở độ tuổi từ 42 đến 83 tuổi ăn 3.000mg sữa ong chúa mỗi ngày trong sáu tháng có số lượng tế bào hồng cầu cao hơn so với những người dùng giả dược.
Thúc đẩy khả năng sinh sản
Trong một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tờ International Journal of Fertility&Sterility, người ta thấy rằng sữa ong chúa thúc đẩy sự thành thục của nang trứng cũng như làm tăng nội tiết tố buồng trứng ở chuột cái chưa trưởng thành. Mặc dù nghiên cứu này được tiến hành trên động vật, nó gợi ý lợi ích đối với người có thể tương tự.
Giúp quản lý tốt hơn các triệu chứng mãn kinh
Trong một nghiên cứu năm 2011 về mãn kinh, 120 phụ nữ mãn kinh được chia thành hai nhóm: một nhóm được chỉ định uống một viên giả dược, nhóm kia uống hai viên nang Lady 4 - một chế phẩm bổ sung chứa sữa ong chúa, dầu hoa anh thảo, damiana và nhân sâm – hàng ngày trong 4 tuần. Kết quả là những người uống Lady 4 có sự cải thiện đáng kể các triệu chứng.
Có vai trò như một probotic
Vì sữa ong chúa là một nguồn bifidobacteria, một loại vi khuẩn hỗ trợ sức khỏe của đường tiêu hóa, nên nó được xem như một loại probiotic. Các nghiên cứu lâm sàng đã liên hệ những tác dụng có lợi khác, như tăng cường miễn dịch và chống ung thư, với sự hiện diện của bifidobacteria trong đường tiêu hóa. Thành phần độc đáo này của mật ong gợi ý rằng nó có thể tăng cường sự phát triển, hoạt động và khả năng sống của bifidobacteria trong các sản phẩm sữa lên men.
Giúp lành vết thương
Trong khi mật ong đã được biết đến về tác dụng điều trị vết thương, thì các nghiên cứu cho thấy sữa ong chúa cũng có thể hỗ trợ chữa lành vết thương. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Nutrition Research and Practice đã điều trị vết thương nông trên da người bằng cách bôi lên vết thương sữa ong chúa ở các nồng độ khác nhau.
Kết quả cho thấy sữa ong chúa thúc đẩy đáng kể một số chức năng chữa lành vết thương của cơ thể. Nghiên cứu đã chứng minh rằng sữa ong chúa giúp tăng cường sự di chuyển của nguyên bào sợi, một loại tế bào trong mô liên kết sản xuất collagen và các loại sợi khác, và làm thay đổi mức độ của các loại lipid khác nhau tham gia vào quá trình chữa lành vết thương.
Điều trị đái tháo đường
Mặc dù cần nghiên cứu thêm về chủ đề này trước khi có thể nói chắc chắn rằng sữa ong chúa điều trị được đái tháo đường, song đã có một số nghiên cứu cho thấy nó có thể cải thiện các dấu hiệu bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, 40 bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 đã được chỉ định uống 10g sữa ong chúa tươi hoặc giả dược sau khi nhịn ăn qua đêm. Mặc dù các tác dụng không phải là ngay lập tức và cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng có một số thay đổi về mức glucose có thể có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, cho thấy rằng sữa ong chúa có thể hoạt động như một phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh đái tháo đường.
Những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi sử dụng sữa ong chúa
Các chuyên gia cảnh báo bất kỳ ai đang dùng thuốc chống đông máu theo đơn hoặc thảo dược nên nói chuyện với bác sĩ trước khi đưa sữa ong chúa vào chế độ ăn vì nó có thể làm tăng tác dụng của chất chống đông máu trong cơ thể, có thể dẫn đến tăng bầm tím hoặc chảy máu. Ngoài ra, bất cứ ai bị dị ứng với ong đốt hay phấn hoa nên tránh xa sữa ong chúa và trong một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể gây cơn hen, sốc phản vệ và viêm da tiếp xúc.
Điểm mấu chốt: Bạn có nên thử dùng sữa ong chúa?
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đủ các nghiên cứu dài ngày trên người để đánh giá đầy đủ lợi ích sức khỏe của sữa ong chúa. Tuy nhiên, sữa ong chúa đã được chứng minh là có tiềm năng lớn trong các nghiên cứu trên động vật và một số nghiên cứu ở người, khiến nó trở thành một nguồn rất có triển vọng về các đặc tính chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trong các lĩnh vực về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ, đái tháo đường và phục hồi vết thương.
Sữa ong chúa chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein và các axit béo đặc biệt, và chứa hàm lượng vitamin nhóm B cao, khiến nó rất bổ dưỡng.
Cách dễ nhất để sử dụng sữa ong chúa là uống dạng viên nang. Cũng có thể phết sữa ong chúa lên bánh mì nướng, pha với trà hoặc sinh tố.
Cẩm Tú (Theo MSN)