1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những lầm tưởng trong dinh dưỡng cho nhũ nhi

(Dân trí) - Khi trẻ chào đời, nhiều bà mẹ kết hợp 2 loại sữa để con nhận được đầy đủ các ưu điểm có trong từng loại sữa. Khi tập ăn dặm, người bắt đầu lúc con tròn 4 tháng tuổi, người khác lại chọn thời điểm bé tròn 6 tháng tuổi.... Làm như vậy có đúng?

1. Cho trẻ uống 2 loại sữa cùng lúc

 

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ nhỏ. Tùy thể trạng mỗi trẻ mà có thể hợp với sữa này hơn sữa kia. Cũng có trẻ có thể phù hợp với nhiều loại sữa.

 

Lý do chủ yếu khiến nhiều bà mẹ phối hợp cho con uống từ hai loại sữa trở lên vì muốn “gom” hết các ưu điểm của các loại sữa, hoặc vì sự quân bình tính chất phân của trẻ, hoặc vì kinh tế… Những quan điểm này vẫn có thể ổn nếu bà mẹ chia cữ cho trẻ bú hợp lý (xen kẽ, hoặc sáng - chiều …).

 

Tuy nhiên, tuyệt đối không nên pha 2 loại sữa chung 1 bình hoặc cho trẻ uống cùng lúc 2 loại sữa (pha riêng) vì sự trộn lẫn này sẽ ảnh hưởng đến nồng độ thẩm thấu của sữa làm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

 

2. Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

 

Những lầm tưởng trong dinh dưỡng cho nhũ nhi - 1


Nhiều bà mẹ sợ con không đủ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ (hoặc sữa bột) hoặc nghĩ rằng trẻ càng biết ăn sớm càng cứng cáp nên bắt trẻ ăn từ rất sớm (3, 4 tháng tuổi). Hậu quả là:

 

- Hệ tiêu hóa non nớt của trẻ có thể bị rối loạn, tổn thương vì trẻ chưa có đủ các men tiêu hóa để “xử lý” tinh bột cũng như các loại thức ăn khác không phải là sữa. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa luôn là thức ăn chính duy nhất không thể thay thế.

 

- Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng vì thiếu năng lượng và các chất cần thiết phù hợp với trẻ trong giai đoạn này vì lượng sữa sẽ bị giảm để thay thế bằng thức ăn dặm.

 

- Trẻ có thể biếng ăn kéo dài do tâm lý sợ “bị” ăn khi mẹ cố ép.

 

Trái lại cũng có một số trẻ được tập ăn dặm quá muộn (từ 8, 9 tháng tuổi). Những trẻ này rất khó làm quen với bất kỳ thức ăn nào khác ngoài sữa, lại không biết nhai … nên cũng sẽ có nguy cơ biếng ăn và suy dinh dưỡng.

 

Thời điểm cho trẻ ăn dặm phải hợp lý thì trẻ mới có thể phát triển tốt nhất. Khi trẻ tròn 5 tháng, bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm bột với nguyên tắc từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.

 

Sau khi ăn dặm 1, 2 tháng trẻ sẽ bắt đầu mọc răng và có phản xạ tập nhai, bà mẹ có thể cho trẻ ăn cháo nhừ. Trong thời điểm này, nếu bà mẹ vẫn cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn, hoặc vẫn dùng bình tập ăn thì trẻ sẽ không có cơ hội để tập nhai. Những trẻ này sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang ăn thức ăn thô hơn.

 

3. Chế độ ăn dặm không đầy đủ và cân đối

 

Mặc dù luôn lo sợ trẻ thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển nhưng có bà mẹ lại quan niệm chỉ hầm xương lấy nước ngọt nấu bột, cháo, hoặc chỉ ăn một vài món gọi là bổ dưỡng, hoặc không thêm dầu vào chén bột, cháo vì sợ khó tiêu …

 

Thật ra, nước hầm từ xương chỉ cho vị ngọt mà không có chất dinh dưỡng. Ngay từ khi tập ăn dặm, bà mẹ cần cho trẻ làm quen với các vị thịt, cá, rau củ bằng cách băm hoặc xay thật nhuyễn. Nhờ vậy trẻ sẽ có cơ hội nếm được nhiều loại hương vị khác nhau.

 

Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng với tất cả các loại thức ăn, bắt đầu bằng những loại dễ tiêu hóa hơn. Và cần thiết thêm dầu ăn (dầu gấc, dầu mè, dầu ôliu) vào chén thức ăn của trẻ vì đây là chất giàu năng lượng, cung cấp các axit béo cần thiết cho cơ thể, đồng thời còn giúp cơ thể hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu và làm trẻ ăn ngon miệng hơn.

 

4. Thời điểm ăn bữa phụ chưa hợp lý

 

Trong giai đoạn ăn dặm, nếu không sắp xếp hợp lý, nhiều bà mẹ vô tình cho trẻ ăn vặt nhiều hơn ăn chính. Ngoài sữa, chén bột hoặc cháo, trẻ còn được khuyến khích ăn trái cây tươi, sữa chua, bánh flan hoặc uống nước trái cây ép… Tuy cần thiết nhưng nếu cho trẻ ăn nhóm thức ăn này ngay trước bữa ăn chính thì trẻ sẽ dễ no ngang, không chịu ăn bữa ăn chính nữa. Thói quen này dễ làm trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, còn trẻ lớn thì béo phì.
 

Cách tốt nhất là có thể cho trẻ thưởng thức những món này sau những bữa ăn chính khoảng 30 phút.

 

5. La hét, bắt ép hay dụ dỗ khi cho trẻ ăn dặm

 

Với suy nghĩ nếu trẻ không chịu ăn thì sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, các bà mẹ tìm mọi cách để làm trẻ phải ăn và ăn hết khẩu phần mỗi bữa. Tuy nhiên, những biện pháp “cứng rắn” hoặc quá “mềm” đối với trẻ đều sẽ không đem lại hiệu quả lâu dài mà còn gây tác dụng ngược. Cần tránh để trẻ chơi, hoặc xem tivi, hoặc bế trẻ đi khắp nơi… vì sẽ làm trẻ mất tập trung đến việc ăn.

 

Nhiều bà mẹ nghĩ rằng trẻ cần “quên” là đang ăn, như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc “nhồi” cho trẻ những muỗng thức ăn. Làm như vậy, không những trẻ sẽ không có cơ hội cảm nhận, thưởng thức mùi vị thức ăn mà còn bị ám ảnh sợ hãi những bữa ăn vì phải nuốt những muỗng thức ăn không ngon lành gì do đã bị ngậm khá lâu trong miệng.

 

Mặc dù trẻ 5, 6 tháng tuổi chưa nói chuyện được nhưng bé có thể nghe, cảm nhận được rất nhiều thứ xung quanh bé. Bà mẹ cần dịu dàng nói chuyện với trẻ, cho trẻ biết là đã đến giờ ăn, hôm nay mình ăn món gì… giúp trẻ xem bữa ăn là 1 trò chơi của 2 mẹ con.  Trẻ sẽ dần dần cảm nhận được các hương vị khác nhau của món ăn, sẽ nhận ra bữa ăn thật nhiều thú vị. Có như vậy trẻ mới tự giác ăn và nhờ đó mà quá trình hấp thu, chuyển hóa trong cơ thể cũng tốt hơn.

 

BS. Thủy Tiên

Phòng khám Tư vấn dinh dưỡng – BV Anh Đức