Những kỹ năng sơ cứu đáng học hỏi phòng tình huống khẩn cấp

(Dân trí) - Khi thảm họa xảy ra, bạn có sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần không? Và bạn có biết các dấu hiệu cảnh báo về tình huống khẩn cấp và cách tránh tai nạn gây thương tích tiềm ẩn ngay từ đầu không?

Có thể nhanh chóng thực hiện các bước thích hợp trong tình huống căng thẳng có thể là sự khác biệt giữa sống và chết. Một trong những điều đơn giản nhất cần nhớ là giữ bình tĩnh để có thể đưa ra quyết định tốt, trấn án người mà bạn đang giúp đỡ và giúp giữ họ ổn định cho đến khi những người ứng phó đầu tiên đến nơi. Đây là những gì bạn cần biết để trang bị cho mình khi đối phó với những tình huống khẩn cấp.

Những kỹ năng sơ cứu đáng học hỏi phòng tình huống khẩn cấp - 1

Chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ sơ cứu

Chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ sơ cứu thích hợp ở nhà hoặc trong xe, cũng nên cất sẵn chăn sạch, khăn, và vào mùa đông, một số găng tay phụ. Có nước sạch, uống được cũng quan trọng.

Vết bỏng

Khi có ai đó bị bỏng, trước tiên hãy đánh giá mức độ nghiêm trọng. Các vết bỏng nhẹ thường có đường kính không quá 8cm và có thể có màu đỏ của vết cháy nắng, hoặc bạn có thể thấy lớp da bên ngoài bị bỏng và nổi bọng nước. Để điều trị, hãy làm mát da bằng nước, bôi lotion với lô hội hoặc kem dưỡng ẩm, và che hờ vùng bị bỏng bằng gạc vô trùng. Da bị bỏng nặng hơn có thể xuất hiện vết than hoặc trắng, với lớp da trên cùng bị tổn thương không thể phục hồi. Vết bỏng này cần được điều trị bằng cách nâng cao vùng bị ảnh hưởng, che phủ bằng băng mát, ẩm hoặc một miếng vải sạch và gọi cấp cứu ngay lập tức. Không bao giờ được ngâm vết bỏng nặng vào nước.

Thương tích ở mắt

Dị vật trong mắt là kim loại, thủy tinh hoặc vật liệu nhân tạo khác đòi hỏi phải hành động nhanh. Không được dụi mắt; bộ dụng cụ sơ cứu tại nhà hoặc trong xe cần có dung dịch nhỏ mắt nước muối vô trùng để giúp rửa trôi dị vật. Bỏng và hóa chất bắn vào cần rửa ngay lập tức bằng nước sạch. Đối với các thương tích nghiêm trọng hơn do bị đánh, trầy xước hoặc thậm chí vết thủng, không được ấn mạnh hoặc rửa nước. Tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

Ngã

Giúp nạn nhân bị thương do ngã có tư thế thoải mái, nâng cao vùng bị thương và chườm lạnh trong ít nhất 20 phút. Ngã nghiêm trọng có thể cần gọi cấp cứu ngay. Không di chuyển đầu, cổ hoặc lưng, giữ ấm và trấn an nạn nhân cho đến khi nhân viên cấp cứu đến hiện trường.

Nghi ngờ đau tim

Hồi sức tim phổi sử dụng kết hợp ép ngực và "thổi ngạt" để lưu thông oxy. Bạn sẽ muốn ấn ngực 30 lần liên tiếp và thổi ngạt bằng cách nghiêng đầu nạn nhân sang bên, nâng cằm (để đường thở thông thoáng), kẹp mũi và thổi vào miệng của nạn nhân sao cho có thể thấy ngực phồng lên. Có thể thực hiện 30 lần ấn ngực tiếp theo là hai lần thổi ngạt, sau đó lặp lại, mặc dù Hội Tim Mỹ khuyến nghị hồi sức tim phổi chỉ dùng tay mà không cần thổi ngạt, để khuyến khích người xung quanh tham gia ngay cả khi họ không thoải mái với việc thổi ngạt.

Nếu có sẵn máy khử rung và bạn biết cách sử dụng, nó có thể giúp phục hồi nhịp tim. Hồi sức tim phổi là một vấn đề lớn; xem xét đăng ký vào một lớp học được giảng dạy bởi giảng viên có chứng nhận.

Nghi ngờ đột quỵ

Cả hai loại đột quỵ - nhồi máu, hay gặp hơn, gây ra bởi huyết khối trong lòng mạch và xuất huyết, do mạch máu bị vỡ - đòi hỏi phải hành động nhanh chóng. Áp dụng bài test nhanh của Hội Đột quỵ Quốc gia: mặt (có bị xệ xuống không? Và nếu bạn bảo nạn nhân cười, miệng họ có bị méo không?), cánh tay (có phải một cánh tay yếu hơn bên kia khi bạn yêu cầu họ giơ cả hai?), lời nói (nạn nhân có khó nói rõ lời, hoặc có thể nói ngọng?). Nếu bất kỳ câu trả lời nào là có, đã đến lúc gọi cấp cứu ngay để được giúp đỡ, ngay cả khi các triệu chứng đã chấm dứt. Không cho uống thuốc, thức ăn hoặc đồ uống; đưa người đó đến bệnh viện hoặc cho nhân viên cấp cứu càng sớm càng tốt.

Co giật

Nhẹ nhàng đỡ nạn nhân nằm xuống và giữ cho họ an toàn - bỏ kính mắt và bất cứ thứ gì xung quanh có thể gây thương tích. Không ôm hoặc ghì chặt người bệnh. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng của người đó. Không thực hiện ép tim và thổi ngạt. Hãy để cơn co giật đi qua và gọi cấp cứu nếu nó kéo dài hơn năm phút, lặp lại hoặc chưa từng xảy ra trước đây, hoặc nếu co giật xảy ra trên nền một tình trạng khác như đái tháo đường hoặc mang thai. Không cho nạn nhân uống hoặc ăn cho đến khi họ tỉnh táo hoàn toàn và tốt nhất là sau khi đã được khám xét cẩn thận.

Sặc

Nghiệm pháp Heimlich có thể cứu người lớn bị sặc. Hãy đứng sau lưng nạn nhân, vòng tay qua lưng người đó, một tay nắm lại đặt dưới bờ xương sườn phía trên rốn, tay kia nắm lấy tay này và và ấn vào bụng trên của nạn nhân theo hướng lên trên mạnh và nhanh. Tiếp tục thực hiện cho đến khi dị vật bật ra ngoài. Cần lưu ý: Không làm nghiệm pháp này cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ hoặc trẻ dưới 1 tuổi, vì nó có thể lợi bất cập hại. Những trường hợp này có hướng dẫn riêng. Hội Chữ thập đỏ cũng khuyến nghị vỗ mạnh vào lưng, ngoài lực đẩy ở bụng, đối với người lớn hoặc trẻ em bị sặc nhưng vẫn có ý thức.

Chảy máu

Đối với người bị chảy máu đáng kể, cầm máu bằng cách gỡ bỏ quần áo hoặc mảnh vụn trên vết thương, nhưng không rút những vật cắm vào vết thương, làm sạch vết thương hoặc thăm dò thêm. Đơn giản chỉ cần đặt một miếng băng lớn hoặc miếng vải sạch lên vết thương và ấn vừa đủ cho đến khi máu ngừng chảy, không ấn trực tiếp lên vật cắm vào. Đặt nạn nhân xuống và nâng chi bị chảy máu lên cao trên mức của tim. Nếu máu bắt đầu ngấm qua băng, đừng bỏ băng, hãy đặt một miếng băng khác lên trên và tiếp tục giữ chắc.

Đặt ga-rô

Nếu đến lúc này mà chảy máu vẫn chưa giảm, thì đã đến lúc đặt ga-rô, điều này sẽ hạn chế mất máu một cách an toàn trong vài giờ trước khi đến bệnh viện. Mất máu đe dọa tính mạng thường sẽ phun thành tia và đỏ tươi, nhưng nó cũng có thể có màu đỏ sẫm và chảy ổn định. Ga-rô cần được đặt ngay trên da cách vết thương khoảng 5 cm về phía gốc chi, nhưng không đặt trên khớp và được kéo chặt. Nhiều vật có thể được sử dụng làm ga-rô, bao gồm quần áo, thắt lưng hoặc dây đai an toàn, ngoài dụng cụ ga-rô chính thức của Hội Chữ thập đỏ, kèm theo các hướng dẫn rõ ràng và kỹ thuật từng bước để ổn định nạn nhân trước khi nhân viên cấp cứu đến hiện trường.

An toàn dưới nước

Tránh lặn để tránh chấn thương tủy sống, liệt và thậm chí tử vong. Sét đánh cũng là tai nạn đáng báo động đối với những người chèo thuyền và bơi lội. Nhưng mối nguy hiểm mà bạn dễ gặp phải nhất là đuối nước. Để có được luồng oxy quan trọng, hãy ép tim và hà hơi thổi ngạt - nhớ rằng, khi bắt đầu hồi sức cho nạn nhân bị đuối nước, một số chuyên gia khuyên nên thổi ngạt năm lần trước khi ép tim. Khi nạn nhân bắt đầu thở lại, hãy ở bên cạnh và giữ ấm cho họ.

Tránh xung đột và nguy hiểm

Phòng ngừa thương tích là cách để tránh phải sơ cứu, vì vậy, hãy học cách giảm thiểu chí ít là những nguy hiểm rõ ràng nhất. Điều này có nghĩa là lái xe an toàn. Không tuân thủ luật giao thông, đặc biệt về tốc độ, là thủ phạm nguy hiểm gây chết người. Và điều này cũng bao gồm không lái xe khi đã sử dụng rượu bia hoặc ma túy. Ngoài ra, tránh xô xát bằng cách tránh xa những tình huống căng thẳng.

An toàn nơi làm việc

Người lao động cần thành thạo các trang thiết bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu của người sử dụng lao động - và sử dụng nó. Bảo vệ chống mệt mỏi và mất tập trung khi công việc yêu cầu phải vận hành thiết bị nguy hiểm. Sử dụng kính bảo vệ và nút tai nếu cần thiết. Rút phích cắm dụng cụ điện khi không sử dụng và hết sức thận trọng khi xử lý các hóa chất như thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

33 món đồ thiết yếu trong bộ sơ cứu du lịch

Bộ sơ cứu du lịch cần có những món đồ sau:

1. Băng dính

2. Gạc vô trùng kích thước 10 x 10cm

3. Thuốc chống tiết a-xít – trong trường hợp đầy bụng khó tiêu

4. Thuốc chống tiêu chảy (ví dụ Imodium, Pepto-Bismol)

5. Kem bôi kháng histamine

6. Chất sát trùng (xà phòng lỏng dạng chai nhỏ) - để làm sạch vết thương và tay

7. Aspirin – trong trường hợp đau nhẹ, đau tim

8. Băng dính (mọi cỡ)

9. Diphenhydramine (Benadryl) - thuốc kháng histamin đường uống

10. Sách về sơ cứu

11. Bật lửa - để khử trùng dụng cụ và có thể đốt lửa ở nơi hoang dã (ví dụ để giữ ấm và tạo khói báo hiệu)

12. Thuốc ho

13. Bộ dụng cụ nha khoa – trong trường hợp răng bị gãy, mẻ hoặc trám

14. Găng tay khám

15. Đèn pin nhỏ

16. Ibuprofen (ví dụ Advil); một lựa chọn tốt khác là naprosyn (ví dụ Aleve)

17. Thuốc xua côn trùng

18. Dao (loại nhỏ của quân đội Thụy Sĩ)

19. Băng dán (băng urgo) - để băng chỗ phồng rộp hoặc vết thương

20. Thuốc xịt mũi - trị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng

21. Gạc không dính (Telfa)

22. Thuốc mỡ kháng sinh Polysporin

23. Thuốc uống giảm ngạt mũi

24. Thuốc cá nhân (đủ cho thời gian chuyến đi và thêm một ít phòng trường hợp chậm trễ) và các vật dụng cá nhân (ví dụ: gậy chống hoặc nẹp gối nếu cần)

25. Thẻ điện thoại có ít nhất 60 phút gọi (và không gần ngày hết hạn) cộng với một số tiền cho điện thoại trả tiền và danh sách những người quan trọng cần liên lạc trong trường hợp khẩn cấp; điện thoại di động có bộ sạc (dịch vụ di động có thể không có sóng ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa)

26. Túi nhựa dán kín sử dụng nhiều lần

27. Mặt nạ bỏ túi để thổi ngạt (mặc dù bây giờ không còn khuyến nghị thổi ngạt nữa)

28. Ghim an toàn (lớn và nhỏ)

29. Kéo

30. Kem chống nắng

31. Nhiệt kế

32. Nhíp

33. Danh sách tiền sử bệnh của bạn và các thành viên khác trong gia đình, thuốc, bác sĩ, công ty bảo hiểm và người cần liên hệ trong tình huống khẩn cấp,

Cẩm Tú

Theo Cheapism