Những hành trình nối dài sự sống
(Dân trí) - Tháng 2/2018, hình ảnh cô bé 7 tuổi như một thiên thần say ngủ sau khi hiến giác mạc khiến nhiều người thổn thức, cảm động. Em không may mất đi vì bệnh ung thư nhưng đã để lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân mù. Hình ảnh ấy gây ấn tượng sâu sắc đến nhiều người, thôi thúc mọi người thực hiện những nghĩa cử cao đẹp khi không may qua đời.
Trước khi các bác sĩ thực hiện việc lấy giác mạc từ cô bé như một thiên thần đang say ngủ, người mẹ đã đặt nụ hôn lên trán con, rồi thủ thỉ “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé” khiến tất cả những người chứng kiến đều cảm thấy cay cay nơi sống mũi...
2 giác mạc của cô bé đã được ghép cho 2 người mù khác, mang lại cho họ ánh sáng.
Cuối tháng 12/2018, hình ảnh người vợ cúi xuống hôn chồng lần cuối trước khi đẩy anh vào phòng mổ để hiến tạng cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. Người đàn ông 43 tuổi ấy đã không thể qua khỏi vì bệnh trọng đã hiến 7 mô/tạng gồm tim, gan, phổi và 2 thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi.
Và rất nhiều trường hợp khác, khi người thân của họ không may mất đi, gia đình đã nén đau thương, dành tặng cho những người bệnh suy tạng nguồn tạng của người thân của mình, mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân khác.
Theo GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia, những nghĩa cử hiến tạng rất đáng trân trọng. "Khi một người chết đi vẫn có thể cứu sống nhiều người khác", GS Sơn nói.
Với mong muốn thông tin tới cộng đồng về hoạt động nhân văn hiến, ghép mô, tạng, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức phát động cuộc thi viết “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống” và tuyên truyền về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, tại Hà Nội sáng 22/8.
Từ chỗ các trường hợp hiến tạng ít ỏi, con số này ngày càng được tăng lên nhờ sự lan tỏa những việc làm nhân văn. Mới đây nhất, chỉ trong 1 tuần, cả 2 miền Bắc - Nam đã có 3 trường hợp chết não hiến tạng, mang lại sự sống cho 10 người bệnh khác.
Con số người đăng kí hiến tạng cũng tăng lên. Đến nay đã có hơn 30.000 người đăng ký hiến và đến tháng 8/2019 Trung tâm đã điều phối 6 ca vận chuyển tạng đi liên tỉnh để ghép cho bệnh nhân.
Bệnh nhân suy tạng được cứu sống nhờ nhận tạng hiến từ người cho chết não.
"Tuy nhiên, con số người đăng ký hiến tạng vẫn còn quá ít so với nhu cầu ghép của bệnh nhân. Số bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng vẫn dài dằng dặc, với những những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến. Trong khi đó tỉ lệ bệnh nhân sau tai nạn chết não rất nhiều.Thông qua cuộc thi, tôi mong người dân sẽ hiểu thêm về hiến, ghép tạng, về chết não, hiểu rằng việc hiến tạng sẽ làm tăng cơ hội cứu sống nhiều người không may mắn, kéo dài sự sống”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ sau buổi họp báo.
Mọi đối tượng từ nhà báo, bác sĩ, cán bộ công nhân viên công tác trong ngành Y, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi. Người tham dự sẽ gửi các tác phẩm có đề tài về hiến, ghép tạng, hoặc chủ đề về các cá nhân điển hình, những câu chuyện cảm động có sức lan tỏa về chủ đề hiến, ghép mô tạng. Mỗi bài viết dài không quá 1500 chữ, cuối tác phẩm phải ghi rõ thông tin cá nhân gồm: họ và tên, năm sinh, đơn vị, địa chỉ, số điện thoại liên hệ và email.
Thời gian nhận bài thi từ 25/8 – 31/10 tính theo dấu bưu điện nơi gửi. Các bài dự thi gửi về địa chỉ: Phòng 230 – nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (số 40, Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc gửi về địa chỉ email: gheptang@vncchot.com.
Hồng Hải