Những đứa trẻ thích đau
(Dân trí) - Chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng sợ hãi khi nhận thấy cậu con trai 18 tháng tuổi rất thích dùng miệng cắn vào chân, tay đến bật máu. Có lúc bé lại hứng khởi với trò dùng đồ chơi hay vật cứng nào đó đập mạnh vào đầu.
Bé trai ưa hành hạ mình hơn bé gái
Ths.Bs Quách Thúy Minh, trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là hành vi bất thường có thể gặp ở trẻ mắc bệnh tự kỷ hoặc đối tượng là trẻ nhỏ chưa biết nói hay khả năng nói bị hạn chế.
Khoa đã từng tiếp nhận một trường hợp là cháu trai L.M (22 tháng tuổi, ở Hà Tây). Sau một trận ốm kéo dài, cháu M trở lên hay cáu kỉnh, tức giận vô cớ và có một thói quen mới là thường xuyên bứt tóc trên đầu mình. Có lúc cháu kéo đứt cả một mảng tóc khiến da đầu bật máu.
Qua thăm khám, các bác sĩ đã kết luận, bé M bị rối loạn về thể chất và tinh thần. Cháu đã được điều trị trong một thời gian và hiện đã dần trở lại trạng thái bình thường.
Theo BS. Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi đồng: Gần đây có khá nhiều phụ huynh đưa trẻ từ 3 - 6 tuổi đến khám tại đơn vị Tâm lý của Viện bởi phát hiện trẻ có hành vi bất thường tự gây đau đớn cho bản thân như: đập đầu vào tường hoặc vào sàn nhà, tự cắn cánh tay.
Thống kê cho thấy hành vi tự làm tổn thương thường gặp ở bé trai hơn bé gái và thường được nuông chiều quá mức.
“Cũng có khi đó là trẻ bị bệnh lúc nhỏ, đặc biệt là những bé bị nhiễm trùng tai tái phát nhiều lần khiến trẻ đau nhức, khó chịu, dẫn đến hành vi đập đầu hoặc hành vi tự làm tổn thương mình.
Hành vi tự làm tổn thương cũng có thể xuất hiện khi trẻ bị giam trong giường cũi hoặc phòng cách ly trong một thời gian dài. Những trẻ không được phép cử động trong một thời gian, chẳng hạn bị bất động sau phẫu thuật cũng dễ có những hành vi quá khích với bản thân”, BS Thanh cho hay.
Môi trường sống ảnh hưởng lớn đến trẻ
Theo các chuyên gia tâm lý, môi trường sống có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Cũng như vậy, phản ứng của người lớn khi trẻ có hành vi tự làm tổn thương mình rất quan trọng. Nếu người lớn cứ mặc kệ để trẻ lớn dần với thói quen tự hành hạ mình thì sẽ trở thành căn bệnh khó chữa. Tuy nhiên, nếu phản ứng thái quá, ví dụ chạy vội đến xuýt xoa, ôm ấp, dỗ dành sẽ giúp trẻ hiểu những cử chỉ tự làm tổn thương mình chính là vũ khí dọa người lớn khi trẻ muốn một điều gì đó mà chưa được đáp ứng.
Vì vậy, theo lời khuyên của BS Thanh, khi người lớn phát hiện trẻ có hành vi tự hành hạ mình, cần bình tĩnh quan sát trẻ trong vòng 1 - 2 ngày. Đừng vội ra lệnh, bắt trẻ từ bỏ ngay lập tức, trừ khi đó là những hành động làm tổn thương trầm trọng đến sức khoẻ (như đập đầu vào tường hay làm chảy máu một bộ phận nào đó trên cơ thể). Không nên đột ngột thay đổi cách đối xử với trẻ, cũng không nên để trẻ biết sự quan tâm, lo lắng quá mức của mình.
Trong thời gian đó, nên tìm hiểu xem trẻ bị đau hoặc khó chịu ở chỗ nào, bởi rất có thể đó là nguyên nhân khiến trẻ có những hành động kỳ quặc đó. Nếu hành vi này diễn ra trong nhiều ngày thì nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên tâm lý để tìm hiểu kỹ nguyên nhân cũng như tìm biện pháp giúp trẻ cân bằng tâm lý.
P. Thanh