1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Những độc tố giấu mặt

Những mối nguy này tất nhiên không gây ra những bất ổn nghiêm trọng ngay, nhưng về lâu dài, chúng có thể ngấm ngầm, đe dọa đến sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của chúng ta, nhất là đối với những người có hệ miễn dịch yếu.

Khi tắm giặt

 

- Độc tố: THMs (trihalomethanes).

 

- Tác hại:  là một phụ phẩm được hình thành ngoài ý muốn từ cơ chế lọc nước công cộng dùng cho sinh hoạt hàng ngày của con người. Tác hại chính của THMs là tăng nguy cơ hủy hoại gan.

 

- Giải pháp tự bảo vệ:  THMs có khả năng thâm nhập vào cơ thể qua ba đường là hô hấp, tiêu hóa và da. Vì thế, tốt hơn hết không nên tắm hoặc ở trong nhà tắm quá lâu vào buổi sáng, vì lúc đó cơ thể con người nhạy cảm nhất.

 

Ngoài ra, cũng nên dọn dẹp phòng tắm sạch sẽ, mở cửa thoáng mát để các độc tố thoát ra ngoài.

 

Khi đi lại

 

- Độc tố: Chất thải động cơ.

 

- Tác hại:  ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ hô hấp, gây hen suyễn, viêm phổi cấp và mãn tính, đặc biệt là tăng nguy cơ ung thư phổi.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Đơn giản nhất vẫn là mang khẩu trang, hạn chế ra đường và tăng cường dùng xe công cộng. Không nên vừa ăn vừa di chuyển phương tiện đi lại vì nguy cơ nhiễm độc sẽ cao hơn.

 

Nơi làm việc

 

- Độc tố: Formaldehyde.

 

- Tác hại: Hóa chất độc hại này thường có mặt trong các loại dụng cụ làm từ nhựa hoặc sợi tổng hợp và bàn ghế từ gỗ ép. Tác hại chính là gây dị ứng da (như phát ban, ngứa đỏ, nổi sảy...) và hen suyễn.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Mở cửa sổ và thu xếp phòng làm việc thật thông thoáng, nhất là đối với những phòng có trang thiết bị dụng cụ, làm việc còn mới.

 

Ngoài ra, cũng nên đặt cây kiểng (loại rậm lá) ở nơi làm việc để giúp đào thải các độc tố ra ngoài dễ dàng hơn.

 

Lúc dùng bữa

 

- Độc tố: Thủy ngân và HCAs (heterocyclic amines).

 

- Tác hại: Tuy không nhiều nhưng hai loại độc tố này có thể "ẩn mình'' trong một số thực phẩm quen thuộc như hải sản, bánh sandwich, thịt gà nướng...

 

Với lượng lớn, thủy ngân có thể gây suy yếu thần kinh và tác động tiêu cực đến thai nhi còn HCAs làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy và dạ dày.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Không nhất thiết phải tránh dùng các loại thực phẩm này,nhưng nên hạn chế ở mức vừa phải. Chẳng hạn, mỗi tuần một người không nên hấp thu quá 350g hải sản đã nấu chín. Khi chế biến thịt gà thì tốt nhất là không nên nướng, nhất là nướng trên vỉ sắt hoặc kẽm.

 

Khi ăn vặt

 

- Độc tố: Chất bảo quản hay thuốc trừ sâu.

 

- Tác hại: Thực đơn cho các bữa ăn phụ thường gồm hoa quả và thức ăn nhanh, có chứa nhiều chất bảo quản cũng như các hóa chất kích thích hoặc hóa chất trừ sâu có hại, dễ gây ra bệnh ung thư.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Hạn chế dùng thức ăn nhanh hoặc thức ăn được chế biến sẵn, cũng không nên dùng hoa quả trái mùa nhất là những loại trái mùa có trong mùa mưa.

 

Khi lau chùi nhà cửa

 

- Độc tố: Para-dichlorobenzene.

 

- Tác hại: Thường có mặt trong các loại sản phẩm dùng để lau chùi và khử mùi hôi trong phòng, para-dichlorobenzene là một trong những hóa chất liên quan đến nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh ung thư ở người.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Đảm bảo thông gió mỗi khi thực hiện tẩy rửa phòng ốc bằng các sản phẩm khử mùi, hoặc an toàn hơn là lựa chọn các sản phẩm này một cách cẩn thận.

 

Khi ngủ

 

- Độc tố: Monoxit carbon (CO, Carbon monoxide).

 

- Tác hại: Phụ phẩm không mùi vị này thường xuất hiện khi hệ thống sưởi hoặc điều hòa hoạt động kém hiệu quả hay bị trục trặc kỹ thuật. Tác hại chính của CO là gây cảm cúm, mệt mỏi nhất là đối với trẻ em.

 

- Giải pháp tự bảo vệ: Thường xuyên xem xét hệ thống sưởi, máy điều hòa trong gia đình nhằm sửa chữa kịp thời nếu có trục trặc trong thiết bị đó. Nếu thời tiết thuận lợi, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các hệ thống này.

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn