Những điều cần biết về phình mạch não
(Dân trí) - Phình mạch não, hay phình động mạch não, là một điểm yếu ở động mạch não. Điểm yếu tạo ra một chỗ phồng chứa đầy máu.
Thành của động mạch gần chỗ phình mạch sẽ yếu hơn, có nghĩa là chỗ phình mạch có thể bị vỡ. Vỡ phình mạch não là một tình trạng nguy hiểm tính mạng có thể gây tổn thương não nghiêm trọng hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, không phải tất cả các phình mạch đều sẽ vỡ.
Những người bị phình mạch não có thể cần theo dõi thường xuyên để đảm bảo rằng nó không phát triển. Bác sĩ có thể cần phải loại bỏ những phình mạch lớn hơn.
Dưới đây là những gì cần biết về phình mạch não, bao gồm loại, triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và điều trị.
Thống kê về phình mạch não
Theo Viện Quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ Mỹ, phình mạch não ảnh hưởng đến khoảng 3% - 5% số người Mỹ trong đời, hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới và có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi.
Quỹ Phình mạch não nói rằng vỡ phình mạch não chỉ chiếm 3 - 5% số trường hợp đột quỵ mới. Nếu phình mạch vỡ, nó sẽ gây tử vong ở khoảng 40% trường hợp, với 15% số người chết trước khi đến bệnh viện.
Các loại phình mạch
Các bác sĩ phân loại phình mạch theo hình dạng của điểm yếu ở động mạch.
Có ba loại phình mạch chính:
• Phình mạch hình túi tạo thành một túi ở bên ngoài động mạch. Đây là loại phình mạch não hay gặp nhất. Một số người còn gọi đây là phình mạch quả nho do vẻ về ngoài của chúng.
• Phình mạch hình thoi xảy ra khi mạch máu giãn về tất cả các phía. Loại phình mạch này phổ biến hơn sau khi bị tổn thương mạch máu.
• Phình mạch hình nấm là phình mạch tạo thành một túi xung quanh động mạch. Chúng xảy ra khi nhiễm trùng từ nơi khác của cơ thể xâm nhập vào máu và lan đến não. Viêm cơ tim là thủ phạm phổ biến, nhưng chứng phình mạch hình nấm là rất hiếm gặp.
Kích thước của phình mạch là một yếu tố quan trọng dự báo việc liệu nó có bị vỡ hay không:
• Phình mạch nhỏ kích thước dưới 11mm - tương đương với kích thước của một cục tẩy bút chì lớn.
• Phình mạch lớn có đường kính 11- 25 mm - gần bằng kích thước của một đồng 10 xu.
• Phình mạch khổng lồ có đường kính 25 mm hoặc lớn hơn - nhiều hơn đường kính của một đồng 25 xu.
Một số phình mạch to lên theo thời gian và một số ít to lên nhanh chóng. To lên, đặc biệt là to nhanh, làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch.
Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm
Phình mạch lớn dễ gây ra triệu chứng trước khi vỡ hơn phình mạch nhỏ, nhưng hầu hết các phình mạch không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn này.
Khi phình mạch bị vỡ, nó có thể gây ra các triệu chứng, bao gồm:
• đau ở trên hoặc sau mắt nặng lên hoặc không hết theo thời gian
• tê
• yếu
• liệt hoặc co giật ở một bên mặt
• thay đổi thị lực, như nhìn mờ hoặc nhìn đôi
• đồng tử giãn chỉ ở một mắt
Đôi khi phình động mạch bị rò rỉ trước khi nó vỡ. Các bác sĩ gọi đây là vỡ cảnh giới hay chảy máu cảnh giới.
Vỡ phình mạch cảnh giới đôi khi gây ra đau đầu cảnh giới. Đau đầu đột ngột, dữ dội - đặc biệt là đau đầu không giống với kiểu đau đầu thông thường của một người hoặc tồi tệ hơn bất kỳ cơn đau đầu nào khác mà họ từng gặp - có thể là đau đầu cảnh giới.
Các triệu chứng khác của vỡ phình mạch cảnh giới bao gồm:
• buồn nôn hoặc nôn
• thay đổi thị lực
• lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức
• cứng gáy
• sợ ánh sáng
• ngất hoặc co giật
• ngừng tim
Bất cứ ai có triệu chứng phình mạch đều cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu một người trước đó đã có chẩn đoán phình mạch không vỡ, thì họ cần báo cho nhóm chăm sóc khẩn cấp biết về điều này.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Phình mạch não hay gặp ở nữ hơn nam và có khả năng ảnh hưởng đến người lớn từ 30 đến 60 tuổi. Ngoài ra, các yếu tố di truyền và lối sống làm yếu thành mạch máu làm tăng đáng kể nguy cơ phình mạch.
Các yếu tố nguy cơ gây phình động mạch não bao gồm:
• tình trạng di truyền làm yếu các mạch máu, bao gồm bệnh thận đa nang, một số rối loạn mô liên kết và dị dạng động tĩnh mạch (AVM)
• có người thân trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột, bị phình mạch
• huyết áp cao không kiểm soát được
• rối loạn do sử dụng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy làm tăng huyết áp, chẳng hạn như amphetamine và cocaine
• sử dụng ma túy bất hợp pháp tiêm tĩnh mạch
• hút thuốc lá
• khối u não
• chấn thương đầu
• nhiễm trùng trong động mạch
Chẩn đoán
Trong khi các kỹ thuật hình ảnh não, như chụp CT và MRI, có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán một số phình mạch, thì chụp mạch cho phép đưa ra chẩn đoán xác định.
Để thực hiện chụp mạch não, bác sĩ sẽ luồn một ống nhỏ, mỏng gọi là ống thông vào mạch máu ở bẹn và đưa nó vào mạch máu não dưới hướng dẫn của X quang. Khi vào tới đó, họ sẽ tiêm một loại thuốc cản quang giúp dễ dàng nhìn thấy các mạch máu và bất kỳ cấu trúc bất thường nào.
Chụp mạch có thể giúp bác sĩ đánh giá kích thước và mức độ nghiêm trọng của phình mạch, cũng như loại phình mạch. Thông tin này giúp họ đưa ra khuyến nghị điều trị thích hợp.
Điều trị
Không phải tất cả các phình mạch não đều cần điều trị ngay lập tức. Nếu phình mạch là nhỏ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi nó.
Lựa chọn điều trị tốt nhất sẽ tùy thuộc vào các yếu tố sau:
• tuổi của người bệnh
• các bệnh lý thần kinh hoặc nội khoa
• liệu phình mạch có vỡ hay không
• nguy cơ vỡ phình mạch
• tiền sử gia đình bị xuất huyết dưới nhện
Người có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị vỡ phình mạch có thể cần điều trị ngay cả khi phình mạch nhỏ.
Bác sĩ có thể đề nghị làm thủ thuật nội mạch hoặc phẫu thuật để điều trị phình mạch.
Thủ thuật nội mạch
Trong một thủ thuật nội mạch, bác sĩ phẫu thuật sẽ luồn ống thông qua bẹn, sau đó hướng đến chỗ phình mạch. Tiếp theo, họ đóng gói chỗ phình bằng cuộn dây kim loại hoặc stent để chuyển hướng dòng máu. Điều này sẽ ngăn máu chảy vào chỗ phình động mạch, ngăn ngừa vỡ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị phình mạch đòi hỏi một ca mổ não, sẽ diễn ra dưới gây mê. Phẫu thuật thường yêu cầu người bệnh phải nằm viện vài ngày và có thể cần cạo sạch tóc. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ kẹp chỗ phình để ngăn máu chảy vào.
Sau điều trị, hầu hết phình mạch sẽ không tái phát.
Nguy cơ điều trị
Cả điều trị nội mạch và phẫu thuật não đều có những nguy cơ, bao gồm:
• tổn thương tim hoặc phổi
• đột quỵ
• biến chứng phẫu thuật, như nhiễm trùng
• tử vong
• phẫu thuật thất bại khiến phải điều trị thêm
Biến chứng
Phình mạch không vỡ thường không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, phình mạch vỡ có thể gây ra những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, kéo dài và có thể tử vong.
Các biến chứng có thể xảy ra của phình mạch não vỡ bao gồm:
• đột quỵ xuất huyết, một loại đột quỵ xảy ra do chảy máu trong não
• chảy máu tái phát, xảy ra khi phình mạch vỡ lần nữa
• thay đổi nồng độ natri trong não, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn
• co thắt mạch, co thắt làm cho các động mạch bị thu hẹp, hạn chế dòng máu đến não và có thể gây tổn thương não nghiêm trọng hoặc đột quỵ
• co giật
• tràn dịch não, xảy ra khi dịch não tủy tích tụ trong não, gây ra áp lực nguy hiểm có thể làm hư hại cơ quan này
Phòng ngừa
Một số phình mạch không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ phình mạch.
Có thể giảm nguy cơ bằng các chiến lược sau:
• bỏ thuốc lá, nếu có
• không sử dụng các chất làm tăng huyết áp
• tránh hoặc hạn chế các thuốc làm tăng huyết áp, theo hướng dẫn của bác sĩ
• áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên
• nói chuyện với thầy thuốc về các chiến lược để kiểm soát huyết áp
• tìm kiếm lời khuyên về các chiến lược tiếp theo để giảm nguy cơ phình mạch nếu người thân cấp một (cha mẹ, con cái hoặc anh chị em) bị phình mạch
Những người bị phình mạch không vỡ nên nói chuyện với bác sĩ về cách giảm thiểu nguy cơ vỡ. Theo dõi thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ này và định hướng các quyết định điều trị của bác sĩ.
Sự khác biệt giữa phình mạch và đột quỵ
Phình mạch không phải là đột quỵ, nhưng nó có thể gây ra đột quỵ. Khi phình mạch vỡ sẽ gây chảy máu trong não, có thể dẫn đến đột quỵ.
Các triệu chứng của phình mạch vỡ và đột quỵ là tương tự nhưng không giống nhau. Trong khi cả hai đều gây ra các triệu chứng thần kinh, chẳng hạn như chóng mặt hoặc mờ mắt, phình mạch cũng thường gây đau đầu.
Cả hai tình trạng bệnh này đều là cấp cứu y tế nghiêm trọng cần điều trị ngay lập tức. Do đó, nên đi khám bác sĩ dù có triệu chứng phình mạch, đột quỵ hoặc cả hai.
Triển vọng
Trong số những người sống sót sau khi bị vỡ phình mạch, khoảng 25% tử vong do biến chứng trong vòng 6 tháng và 66% bị tổn thương thần kinh kéo dài.
Vì lý do này, điều quan trọng là phải xác định và điều trị chứng phình động mạch càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời làm tăng cơ hội sống sót của người bệnh.
Cẩm Tú
Theo MNT