Những “điểm sáng” trong thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh
(Dân trí) - 100 bệnh viện vệ tinh của hơn 20 bệnh viện hạt nhân đều đang từng bước tạo dựng niềm tin với người bệnh khi thực hiện các kỹ thuật khó, vốn chỉ thấy ở tuyến trung ương. Chúng tôi xin giới thiệu 3 trong số hàng chục điểm sáng ấy.
Bệnh viện ĐK tỉnh Tuyên Quang: Tìm ra u tủy sống
Trước khi phát hiện ra u tủy sống, bệnh nhân Đặng Văn Luyện (63 tuổi, trú tại xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang Luyện) đã xuống bệnh viện tuyến Trung ương khám, được kê đơn thuốc về uống nhưng không khỏi.
Đến khi đau lưng nhiều, liệt 2 chân…, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khám.
Sau khi chụp Cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, gia đình ông Luyện rất bất ngờ khi được các bác sỹ cho biết bệnh nhân có khối u trong tủy sống thắt lưng, kích thước khoảng (1,5 x 1,5)cm.
BSCKII Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, do khối u nằm trong ống sống ngang mức L1 chèn ép toàn bộ ống sống và gây liệt chi, rối loạn cơ tròn. Nếu không được xử trí và mổ kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt vĩnh viễn và gây ra những biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Tin tưởng vào các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý thực hiện phẫu thuật cột sống ngay tại bệnh viện tỉnh nhà và đã thoát khỏi di chứng liệt.
Bệnh viện Nhi Thái Bình: Cứu sống nhiều ca “thập tử nhất sinh”
Cho đến bây giờ, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi Thái Bình vẫn chưa thể quên được cảm xúc vừa lo lắng trăn trở rồi vỡ oà trong niềm vui khi nghĩ tới 2 bé sinh non ở tháng thứ 7 là N.X.N và N.X.B.
Đây là trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, chào đời trong tình trạng suy hô hấp nặng, không thể tự thở, người tím tái, phản xạ sơ sinh yếu, nguy cơ tử vong lên tới trên 90%.
Đánh giá đây là ca bệnh nguy kịch, nếu chuyển tuyến trên do mất nhiều thời gian đi lại, nguy cơ tử vong rất cao, do đó, Bệnh viện quyết định cấp cứu tại chỗ.
Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi bằng thở máy, sau đó bơm thuốc làm nở phổi, đồng thời thực hiện hỗ trợ tuần hoàn, đồng thời hội chẩn thường xuyên với BV Nhi TW, BV Phụ sản TW đồng thời theo dõi diễn biến của 2 cháu để nếu có diễn biến bất thường sẽ nhận được sự trợ giúp và có hướng xử trí phù hợp.
Nhờ những nỗ lực kịp thời của các y, bác sĩ đã giúp 2 bệnh nhi sớm qua cơn nguy kịch.
Trường hợp của hai bệnh nhi N.X.N và N.X.B không phải là cá biệt ở BV Nhi Thái Bình bởi thời gian qua, các bác sĩ tại BV Nhi Thái Bình đã cứu sống nhiều ca bệnh “thập tử nhất sinh”, qua đó khẳng định chất lượng khám chữa bệnh ở y tế cơ sở ngày một nâng cao, củng cố thêm niềm tin của người dân đối với bệnh viện tỉnh nhà.
Bệnh viện ĐK tỉnh Đăk Lăk: Hết cảnh xin về nhà “chờ chết”
Khi BVĐK tỉnh Đăk Lăk là bệnh viện vệ tinh của BV Chợ Rẫy và các chuyên gia của BV Chợ Rẫy đã chuyển giao kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho êkíp y bác sĩ của Khoa Nội tim mạch, nhiều bệnh nhân trong vùng đã thoát cảnh xin về nhà “chờ chết.
Điển hình là trường hợp ông Y Krông Niê (68 tuổi, trú tại huyện Krông Pắc) bị rối loạn dẫn truyền trong tim, từng được giới thiệu lên tuyến trên nhưng do không có tiền nên đã không tuân thủ chỉ định này. Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, ông Y Krông đã trở thành một trong hai bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại BVĐK tỉnh. Ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ hân hoan vì đã làm chủ kỹ thuật, còn người bệnh và gia đình vui mừng vì tính mạng được cứu sống.Ca phẫu thuật thay khớp háng bán phần tại BVĐK tỉnh Đăk Lăk.
Những trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng, khi được giới thiệu chuyển tuyến lại bỏ điều trị vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn như ông Y Krông không phải là hiếm gặp ở BVĐK tỉnh Đăk Lăk.
Và việc triển khai các kỹ thuật mới, khó ngay tại bệnh viện địa phương góp phần “tiết kiệm” cho bệnh nhân. Đặc biệt, với những bệnh nhân nghèo như ông Y Krông, đó còn là cơ hội sống còn.
Nhân Hà