Những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị tăng huyết áp nguy hiểm

(Dân trí) - Chuyên gia tim mạch chỉ dẫn chi tiết những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn có thể mắc căn bệnh cao huyết áp nguy hiểm, tác động đến khoảng 1 tỷ người bệnh trên thế giới. Tăng huyết áp có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa…

Sáng 29/7, TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc BV Hoè Nhai (Hà Nội) cho biết 200 bệnh nhân đã được tầm soát tăng huyết áp miễn phí trong buổi sáng tại Bệnh viện.

200 người dân đã được tầm soát tăng huyết áp, xét nghiệm miễn phí. Ảnh: T.H
200 người dân đã được tầm soát tăng huyết áp, xét nghiệm miễn phí. Ảnh: T.H

Trước đó chương trình Tầm soát tăng huyết áp đã diễn ra ở hơn 20 bệnh viện trên cả nước do Hội Tim Mạch học Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng tạo thói quen kiểm tra và tầm soát huyết áp thường xuyên để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.

Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mm thủy ngân. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 250/100mm thủy ngân nhưng không hề có triệu chứng. Và điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh.

TS Long cho biết, cao huyết áp là bệnh phổ biến trong cộng đồng, nhưng có tới trên một nửa bệnh nhân cao huyết áp chưa được phát hiện, 80% chưa được điều trị. Rất nhiều bệnh nhân nhờ đi tầm soát hay tình cờ đi khám bệnh mới biết mình bị tăng huyết áp.

Thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam cho thấy tăng huyết áp chiếm đến 25% ở người trưởng thành và đang có xu hướng gia tăng không ngừng. Năm 2016, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn từ 18 tuổi trở lên là 47,5%.

Dấu hiệu của cao huyết áp rất đa dạng. Bình thường người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu, giật hai bên thái dương, choáng váng, chóng mặt, nóng bừng mặt, mất ngủ, đái đêm, chảy máu mũi, giảm thị lực, cảm giác ruồi bay, hồi hộp chống ngực…

Khi có một trong những dấu hiệu này hãy đến bệnh viện khám vì đó là những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng bạn có nguy cơ bị cao huyết áp.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bệnh nhân, cơn tăng huyết áp không biểu hiện triệu chứng, bỗng dưng một ngày bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao chót vót dù không có biểu hiện gì trước cơn đột quỵ xảy ra. Hay có bệnh nhân khi vào viện vì suy thận phải lọc máu mới ngỡ ngàng vì tình trạng huyết áp cao gây nên.

“Bạn không có triệu chứng không có nghĩa bạn không bị tăng huyết áp. Đó là lý do chúng tôi khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp.

Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ. Hãy đo, kể cả khi bạn thấy bình thường nhất để phát hiện nguy cơ tăng huyết áp. Việc kiểm tra huyết áp rất đơn giản, có thể thực hiện ngay tại trạm y tế xã”, TS Long nói.

Thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp

TS Long khuyến cáo, người bệnh khi được chẩn đoán huyết áp và phải điều trị bằng thuốc suốt đời. “Cần tránh tình trạng khi được điều trị ổn định, nhiều người nghĩ là bệnh đã khỏi nên bỏ thuốc.

TS.BS Nguyễn Đức Long khuyến cáo người dân có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, tăng cường vận động để giảm nguy cơ cao huyết áp. Ảnh: T.H
TS.BS Nguyễn Đức Long khuyến cáo người dân có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, tăng cường vận động để giảm nguy cơ cao huyết áp. Ảnh: T.H

Thực tế, khi được điều trị tốt huyết áp bệnh nhân trở về như người bình thường. Nhưng có sự ổn định này là nhờ thuốc, nhờ thay đổi lối sống. Huyết áp là bệnh kiểm soát được nhưng phải dùng thuốc suốt đời, theo đơn kê mỗi ngày, không được bỏ thuốc dù một ngày, cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường. Nếu bỏ thuốc bệnh sẽ tái lại và càng nguy hiểm hơn”, TS Long khuyến cáo.

Chuyên gia này cũng cảnh báo thêm một thói quen của người Việt về việc “mượn đơn” huyết áp của người quen dùng cho mình. “Mỗi người có tình trạng bệnh khác nhau, liều lượng thuốc khác nhau. Vì thế, cần phải được đi khám để được bác sĩ chỉ định, chỉnh thuốc. Khi đã ổn định vẫn cần tái khám định kỳ 3 tháng một lần”, TS Long nói.

Hiện nay tăng huyết áp vô căn chiếm 90%, trước đây gặp chủ yếu người cao tuổi nhưng nay có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, trẻ hoá do lối sống, sinh hoạt thiếu lành mạnh như uống bia rượu, ăn mặn, lười vận động dẫn đến béo phì.

Vì thế, để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, người dân cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối; ăn nhiều rau, hoa quả; hạn chế rượu bia; không hút thuốc lá; vận động thể lực nhiều; duy trì cân nặng phù hợp.

Hồng Hải